Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm

09:48, 13/12/2011

Ngành Công thương đang nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp bình ổn thị trường hàng hóa, như bảo đảm cân đối cung - cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Mua bán dịp cuối năm tại chợ Ea Kar.
Mua bán dịp cuối năm tại chợ Ea Kar.

Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), năm 2011, giá cả thị trường có nhiều biến động tăng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ cả năm ước đạt 30.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2010. Dự báo trong tháng Tết, chỉ số giá tiêu dùng và tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ sẽ tăng khoảng 25-30% so với các tháng trong năm. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Công thương trong dịp cuối năm là triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp bình ổn thị trường, như bảo đảm cân đối cung - cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; phối hợp chỉ đạo doanh nghiệp tổ chức tốt công tác dự trữ và cung ứng hàng hóa cho nhân dân. Thực hiện nội dung này, các huyện đã khảo sát, lập kế hoạch cung ứng hàng hóa, có phương án hỗ trợ doanh nghiệp theo cụm địa bàn để thuận tiện trong việc điều tiết và ứng phó với thị trường tại chỗ và các vùng lân cận kịp thời. Các doanh nghiệp chủ lực trong ngành thương mại đã lập kế hoạch dự trữ hàng tết với tổng trị giá gần 200 tỷ đồng, tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm công nghệ và thực  phẩm tươi sống. Trên cơ sở đó, có 5 đơn vị, doanh nghiệp được UBND tỉnh hỗ trợ vốn dự trữ hàng hóa bình ổn, với tổng kinh phí 26,5 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - Buôn Ma Thuột (Co.op Mart) 20 tỷ đồng, HTX Hòa Tiến 0,5 tỷ đồng, HTX Cơ giới vận tải Krông Năng (huyện Krông Năng) 2 tỷ đồng, Công ty TNHH Một thành viên Kim Tấn Tài (huyện Ea Kar) 2 tỷ đồng, Công ty Cổ phần đầu tư quản lý chợ Ea H’leo (huyện Ea H’leo) 2 tỷ đồng. Doanh nghiệp được tạm ứng vốn trong vòng 3 tháng (từ đầu tháng 11-2011 đến hết tháng 1-2012) để dự trữ hàng hóa, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết như gạo, đường, thịt gia súc, gia cầm…

Kiểm tra hàng hóa phục vụ dịp tết tại điểm bán lẻ.
Kiểm tra hàng hóa phục vụ dịp tết tại điểm bán lẻ.

Tuy nguồn vốn hỗ trợ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với tổng vốn dự trữ hàng hóa của doanh nghiệp, nhưng đã thể hiện sự quan tâm thiết thực của tỉnh, giúp doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường: bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa với giá cả ổn định trong dịp cuối năm cũng như dịp tết Nguyên đán, ưu tiên thị trường nông thôn, bảo đảm giá bán tới tay người tiêu dùng thấp hơn thị trường 5-10%; không bán sỉ, không tăng giá đột biến, không tăng giá khi thị trường tăng. Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Krông Năng, sức tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn huyện khá lớn, nguồn cung tại chỗ các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn…đáp ứng khoảng 30-50%, còn lại phải nhập từ địa phương khác. Số vốn hỗ trợ bình ổn 2 tỷ đồng chỉ đáp ứng khoảng 7% so với nhu cầu tổng mức 10 nhóm mặt hàng thiết yếu trong một tháng. Do vậy, doanh nghiệp được hỗ trợ phải chủ động tăng cường công tác xoay vòng vốn tạm ứng bằng phương thức mua và bán trực tiếp đến người dân. Huyện Ea Kar dự kiến sức mua dịp tết tăng khoảng 30% so với ngày thường, doanh nghiệp tham gia bình ổn đã triển khai đưa hàng về điểm tập kết, chủ yếu là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như bánh kẹo, nước giải khát; thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, tác động tích cực đến việc ổn định giá trên thị trường. Co.op Mart cũng đã hoàn tất việc dự trữ hàng tết với tổng trị giá hơn 46 tỷ đồng, trong đó hàng thực phẩm công nghệ chiếm khoảng 38 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đầu mối cung ứng những mặt hàng chiếm thị phần lớn trên địa bàn như Công ty dầu thực vật Cái Lân, nhà phân phối Mỹ Lệ… đang triển khai chương trình đưa hàng tiêu dùng Việt về nông thôn bán lưu động, giá ổn định, khuyến mãi. Từ nay đến tết , chương trình tiếp tục được thực hiện tại  các huyện: M’Drak, Lak, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Buk, Krông Năng, Cư Kuin. Theo các doanh nghiệp, do chi phí đầu vào cao, nhiều sản phẩm có giá thành cao hơn năm trước, nhưng bù lại, nhà sản xuất đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để phần nào hỗ trợ giá cho người tiêu dùng, kích thích sức mua.

Góp phần vào công tác bình ổn, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đang triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm.  Qua kiểm tra 125 vụ trong tháng 11, Chi cục đã phát hiện 73 vụ vi phạm, chủ yếu là hàng nhập lậu, tịch thu hàng hóa và xử phạt với số tiền gần 120 triệu đồng. Từ nay đến trung tuần tháng 1-2012, Chi cục tiếp tục triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, bán hàng không niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết, đầu cơ găm hàng gây bất ổn thị trường; đồng thời, cập nhật thông tin diễn biến thị trường, ngăn ngừa tình trạng tăng giá đột biến.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc