Multimedia Đọc Báo in

Bao giờ du lịch Dak Lak trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

07:59, 10/04/2012

Kỳ cuối: Du lịch gắn với bảo tồn - hướng đi bền vững

Có thể nói, đến nay nhiều doanh nghiệp du lịch ở Dak Lak đã ngồi lại với nhau để tìm phương cách xây dựng và quảng bá sản phẩm của mình đến với du khách trong cả nước. Trong đó, vấn đề quan trọng luôn được mọi người nhắc đến nhiều nhất đó là làm du lịch gắn kết với bảo tồn để tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh và mang tính đặc thù từ vốn văn hóa ở đây.    

Tiêu biểu như HTX Voi Buôn Jun-huyện Lak ra đời hơn ba năm nay cũng vì lý do đó. Ông Bùi Văn Đức-Chủ nhiệm HTX này chia sẻ: Trước đây, khi chưa vào HTX, voi tham gia làm du lịch (chủ yếu chở khách) được ăn chia phần trăm, tùy theo thỏa thuận giữa hai bên-chủ voi và đơn vị du lịch cần sử dụng voi trong ngày, hoặc theo tour được định trước. Chủ voi nào tham gia nhiều lượt thì có thu nhập cao và ngược lại… Cũng chính vì lợi ích trước mắt này, khiến các chủ voi đua nhau tận dụng thời gian, sức lực của voi để kiếm tiền, bất chấp sức khỏe của voi ra sao. Vì thế, đàn voi nhà ở đây nhanh chóng bị suy kiệt, dẫn đến bệnh tật và chết dần. Đến khi vào HTX thì tình trạng trên dần được khắc phục nhờ kế hoạch, lịch trình sử dụng voi hợp lý hơn dựa trên tinh thần tập thể, có sự tương trợ lẫn nhau trong thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của các thành viên trong HTX. Cũng theo ông Đức, đây cũng là phương cách bảo tồn, gìn giữ đàn voi nhà để tạo dựng một sản phẩm, hay rộng hơn là một thương hiệu du lịch bền vững cho buôn Jun nói riêng và Dak Lak nói chung.

Khám phá dòng sông Sêrêpôk bằng cầu treo tại Khu du lịch Buôn Trí A (xã Krông Ana - Buôn Đôn) - sản phẩm du lịch đã trở thành đơn điệu.
Khám phá dòng sông Sêrêpôk bằng cầu treo tại Khu du lịch Buôn Trí A (xã Krông Ana - Buôn Đôn) - sản phẩm du lịch đã trở thành đơn điệu.

 

Còn ở Khu du lịch văn hóa-sinh thái và nghỉ dưỡng của Ban Don Tourmex, ông Dương Văn Lê, phụ trách khu du lịch này cho rằng: Muốn lôi kéo, hấp dẫn du khách, mình phải có sản phẩm khác lạ với nơi khác. Vì thế, Ban Don Tourmex đang xúc tiến xây dựng nhiều hạng mục mới như vườn tượng điêu khắc dân gian các dân tộc bản địa Tây Nguyên; Bảo tàng tín ngưỡng cổ xưa với đầy đủ hiện vật sưu tầm được từ các tộc người bản địa… cùng nhiều mô phỏng, tái hiện sinh động các lễ hội truyền thống tiêu biểu và độc đáo của người Êđê, M’nông, jrai quanh vùng. Thực tế cho thấy việc gìn giữ, bảo tồn và tôn tạo các giá trị văn hóa để làm nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang tính cạnh tranh tại các điểm du lịch trên địa bàn Dak Lak bắt đầu được các doanh nghiệp chú trọng và quan tâm hơn. Bởi vì, chỉ thông qua hoạt động đó mới giúp những người làm du lịch ở đây tìm ra hướng kinh doanh hiệu quả, bền vững.

Từ góc độ “hợp tác, chia sẻ” trên, ông Trương Bi-Phó giám đốc Sở VH-TT-DL cho rằng: cái hồn của ngành “công nghiệp không khói” ở đây được xây đắp nên từ vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo của các dân tộc bản địa (là phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, nghi thức và tín ngưỡng dân gian…) được “mã hóa” trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt hàng ngày của mỗi cộng đồng dân tộc. Vậy thì, trong quá trình “giải mã” vốn văn hóa ấy nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế du lịch, đương nhiên những người trong cuộc, mà cụ thể là các doanh nghiệp không thể không tính đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn những giá trị của nó. Chỉ còn mỗi cách đó mới thật sự giúp cho ngành kinh tế này khai thác, tạo dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo để thu hút du khách. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn Dak Lak chưa thật sự quan tâm như nhiều người mong đợi. Có lúc, có nơi sự kết hợp này tự thân nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến xa rời nhau, khiến hoạt động du lịch tại nhiều điểm rơi vào tình trạng bị du khách quay lưng!

Khu du lịch Buôn Trí A (xã Krông Ana-Buôn Đôn) là một ví dụ. Tại đây, thông qua “kênh” đầu tư du lịch đã làm cho đời sống của người dân tộc bản địa đổi thay rõ nét. Và cũng từ sự thay đổi ấy, buộc người ta nghĩ đến khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh, làm ăn theo kiểu “phổ thông” hơn là giữ gìn  những gì được coi là bản sắc văn hóa của cộng đồng. Điều dễ thấy nhất là thay vì phải giữ gìn, bảo tồn cho được những ngôi nhà dài truyền thống thì họ lại chấp nhận phá bỏ để làm nhà hiện đại, tiện nghi chỉ vì một “cái lý” rất đơn giản: kiến trúc nhà dài đến giờ đã không thỏa mãn, đáp ứng được nhu cầu cho người sử dụng. Từ thực tế đó đã làm thay đổi cách nhìn nhận của nhiều du khách đối với địa danh, đồng thời là điểm đến vốn nổi tiếng này. Bây giờ vào BuônTrí A, nhìn những ngôi nhà mới được người dân bản địa “bê tông hóa”… mới cảm thấy chạnh lòng, vì trông nó thật lạc lõng, nặng nề so với không gian truyền thống của buôn làng xưa. Một du khách khi vào tham quan khu du lịch trên đã xót xa rằng: cứ đà này, chẳng bao lâu nữa điểm du lịch này sẽ mất dần chỗ đứng trong lòng mọi người.

Biết thế, nhưng làm sao được, bởi cư dân bản địa ở đây cũng có “cái lý” của họ khi buộc lòng lựa chọn giải pháp trên. Chính ông Y Ka BYă (nguyên là Chủ tịch xã Krông Ana) thừa nhận: Không làm cái nhà hiện đại, mái bằng, ngói đỏ thì lấy đâu ra chỗ ăn ở, mua bán… Mà muốn làm ra cái nhà dài như ông bà ngày xưa biết lấy đâu ra gỗ; hơn nữa quỹ đất không còn vì phải chia năm, xẻ bảy cho con cháu khi dựng vợ, gả chồng cho chúng nó. Lời Y Ka tâm sự chẳng khác gì già Ma Rin (buôn A KôD’hông), Già Ma Kim, Ma Míp (buôn Kô Sia) –TP. Buôn Ma Thuột bây giờ. Họ cũng từng bức xúc khi nhìn thấy “buôn trong phố”- nét đẹp không nơi nào có được đã tồn tại từ rất lâu trên đô thị có lịch sử hơn trăm năm này - lần lượt biến mất trước tốc độ đô thị hóa diễn ra mãnh liệt như hiện nay. Từ đó, du khách khi đặt chân lên cao nguyên Dak Lak để tìm một vẻ đẹp thanh bình, hoang sơ xưa sẽ không còn, mặc dầu ngành du lịch ở đây đã cổ xúy, khích lệ người dân trong vùng nỗ lực bảo tồn, gìn giữ nét đẹp vốn có để tạo ra thương hiệu du lịch rất riêng cho mình.

Nhiều ý kiến cho rằng: nghịch lý của vấn đề “bảo tồn và phát triển” ở đây chính là mâu thuẫn còn tồn tại từ hai phía: một bên là chủ thể của vốn văn hóa bản địa và bên kia là xu thế phát triển tất yếu của đời sống hiện đại. Có thể nói, cả hai chưa thể dung hòa với nhau một khi nhà đầu tư (doanh nghiệp) thì mong tất cả vốn văn hóa ấy không bao giờ thay đổi hay mất đi… mà không nghĩ đến nhu cầu cốt tử đối với chủ nhân của nó là phải tìm mọi cách để bảo đảm điều kiện sống cho mình và cả cộng đồng ở mức cho phép! Từ “nghịch lý” này, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao không tìm ra giải pháp phù hợp như HTX Voi Buôn Jun-huyện Lak đã từng làm để hướng tới lợi ích hài hòa giữa đôi bên. Và xa hơn nữa là để bảo tồn những giá trị văn hóa có được từ bao đời nay của các cộng đồng dân tộc, nhằm xây dựng mục tiêu phát triển ngành kinh tế du lịch Dak Lak hiệu quả và bền vững hơn từ vốn tài nguyên văn hóa (vật thể cũng như phi vật thể) của các cộng đồng mang lại như một lợi thế mà những nơi khác không dễ gì có được.  

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.