Multimedia Đọc Báo in

Tỷ phú cá lăng trên hồ Ea Kao

08:27, 03/04/2012

Hành trang anh Nguyễn Minh Tuấn mang theo lên Dak Lak vào những năm đầu của thế kỷ 21 là những bài học kinh nghiệm từ thất bại của chuỗi ngày sản xuất cá lăng trên hồ Trị An (Đồng Nai). Trước khi dừng chân nuôi cá lăng tại hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), nơi anh “chấm” cho dự án phát triển cá lăng nha đuôi đỏ lâu dài, anh Tuấn cũng đã thêm 1 lần nữa không thành công tại Krông Nô.

Anh Tuấn kiểm tra độ lớn của cá lăng.

Đến hồ Ea Kao, anh Tuấn khảo sát kỹ hơn về chiều sâu, nghiên cứu mặt nước và độ pH của nước hồ trước khi đặt bè cố định nuôi cá lăng (độ sâu nơi đặt bè lồng vào mùa mưa nước lớn là 15m, mùa khô là 8m). Cùng số vốn ít ỏi của gia đình, anh Tuấn đã vay mượn của bạn bè và mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng cho dự án nuôi cá lăng trên bè lồng. Với diện tích 1.000 m2 mặt nước hồ thuê lại của người khác, anh Tuấn chia làm 24 lồng bằng nhau (mỗi lồng có diện tích 36m2 trừ đường đi), trong đó có một ô giữa dùng thiết kế nhà bè để gia đình sinh hoạt và chăm sóc cá. Lứa cá đầu tiên anh chỉ nuôi dè dặt 1 lồng cá lăng nha đuôi đỏ, số lồng còn lại anh nuôi cá rô phi và cá diêu hồng. Sau 14 tháng, cá lăng đã đạt kích thước chuẩn, anh thu được 2 tấn cá thương phẩm, trừ mọi chi phí còn lãi thuần 300 triệu đồng trong khi 22 lồng nuôi cá diêu hồng và cá rô phi chỉ lãi 50 triệu đồng. Phát huy từ bước thắng lợi đầu tiên, anh Tuấn tiếp tục đầu tư nuôi 3 lồng cá lăng thương phẩm (mỗi lồng 1.000 con giống). Với 3 lồng cá lăng này, sau 14 tháng nuôi tiếp theo, anh đã thu hoạch 3,7 tấn cá, hiện còn lại 2 tấn cá thương phẩm chuẩn bị xuất. Qua 2 vụ thành công mỹ mãn trong việc nuôi cá lăng trên hồ Ea Kao, anh Tuấn đã tập trung toàn bộ cho việc  thả nuôi cá lăng giống và cá lăng thương phẩm trên 22 lồng (trong đó 15 lồng cá lăng thương phẩm và 7 lồng cá lăng giống), lồng còn lại nuôi cá diêu hồng để sử dụng, thăm biếu và chiêu đãi bạn bè khi có khách. Riêng việc nuôi cá giống thì quay vòng vốn rất nhanh. Cá bột nhỏ được nhập về từ TP. Hồ Chí Minh với giá 1.500 đồng/con (trọng lượng khoảng 2.000 con giống/kg), qua 2 tháng nuôi bán được 10.000đồng/con (trọng lượng khoảng 70 con/kg), lợi nhuận rất cao. Năm 2010, nghề nuôi cá đã mang lại cho anh Tuấn nguồn lãi khoảng 700 triệu đồng (sau khi trừ tất cả các chi phí đầu tư). Năm 2011, anh lãi được 1,35 tỷ đồng (trong đó, cá lăng thương phẩm lãi 600 triệu đồng, cá giống lãi

600 triệu đồng và lãi 150 triệu đồng từ việc nhân giống giun quế để bán). Anh ước tính cuối năm 2012 với qui mô đang nuôi sẽ thu hoạch ít nhất 15 tấn cá lăng thương phẩm, trừ mọi chi phí đầu tư có thể lãi hơn 2 tỷ đồng (chưa kể lãi từ cá giống, giun quế và chuyển giao công nghệ sản xuất giun quế…).

Hiện nay, khách hàng mua cá thương phẩm thường xuyên của anh Tuấn là hầu hết các nhà hàng, khách sạn của Dak Lak, Dak Nông, một số nhà hàng, khách sạn ở Đà Nẵng, Nha Trang và Hà Nội. Anh cũng vừa chuyển giao công nghệ nuôi giun quế và chế biến thức ăn kết hợp qui trình nuôi cá lăng giống, cá lăng thương phẩm cùng kỹ thuật làm nhà bè, lồng lưới cho Nhà máy thủy điện Sêrêpôk 4. Ngoài ra, anh Tuấn còn ký hợp đồng xuất cá giống cho các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh với số lượng lớn.

Anh Tuấn cho biết, cá lăng nha đuôi đỏ là một loại cá da trơn khó nuôi, nếu không nắm hết những đặc tính của cá để ứng dụng kỹ thuật nuôi phù hợp thì khó thành công. Đặc tính của cá chỉ nổi lên vào ban đêm để ăn bữa chính và ban ngày chúng lặn sâu nên thức ăn cung cấp cho bữa phụ không nhiều. Lồng lưới phải thường xuyên vệ sinh bằng vòi xịt áp suất cao để loại bỏ những cặn bã bám vào lưới, làm thông lưới. Tuy nhiên, việc vệ sinh lồng lưới dễ làm mặt nước dao động mạnh, điều đó có thể dẫn đến việc cá lăng bỏ ăn trong nhiều ngày, làm giảm năng suất và chất lượng cá. Từ “cái khó” do đặc tính của cá lăng đã “ló” thêm sự sáng tạo trong anh Tuấn là nuôi cá 2 tầng lưới (tầng trên nuôi cá lăng, tầng dưới nuôi cá rô phi), phương pháp này vừa tận dụng diện tích vừa tận dụng thức ăn và hạn chế việc vệ sinh lưới cho cá lăng. Đặc tính của cá rô phi là ăn tạp nên ở tầng dưới sẽ đón nhận những thức ăn thừa khi cá lăng vung vẫy giành ăn ở tầng trên rớt xuống (nhất là lượng thức ăn bữa phụ của cá lăng), cá rô phi ăn cả những chất thải của cá lăng và rỉa sạch những cặn bã bám vào lưới nên làm thông lưới cho cá lăng. Ngoài ra, cá rô phi tầng dưới còn là “hàng rào vệ sĩ” đắc lực trong việc bảo vệ lưới của cá lăng không bị cua cắn phá làm rách nát. Theo anh Tuấn, để cá sinh trưởng và phát triển nhanh, không nhiễm bệnh thì việc sản xuất thức ăn cho cá hết sức quan trọng. Anh đã xây dựng một trang trại nuôi giun quế làm thức ăn cho cá; vận dụng những kiến thức trong ngành cơ khí đã học từ khi còn trẻ để tự chế tạo, lắp ráp máy xay nén ép thức ăn cho cá lăng để bảo đảm nguồn thức ăn đầy đủ theo quy trình khép kín không phụ thuộc vào thị trường. Theo anh Tuấn, với qui trình sản xuất cá lăng khép kín hiện nay, mỗi kg cá thương phẩm anh đầu tư cao nhất là 80 nghìn đồng và giá xuất bán là 180 nghìn đồng nên lãi rất cao.

Anh Tuấn dự định trong thời gian tới sẽ đầu tư mở rộng diện tích nhân nuôi cá lăng thêm 2.000 m2  nữa và trong tương lai gần sẽ đầu tư xây dựng một nhà hàng nổi với đặc sản cá lăng của hồ Ea Kao.

Cẩm Lai 


Ý kiến bạn đọc