Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới - nhiều địa phương còn lúng túng

14:13, 05/05/2012

Với quyết tâm đến năm 2015 Dak Lak có 20% số xã,  và  đến năm 2020 sẽ có  50% xã cơ bản đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều địa phương vẫn còn lúng túng…

Tiến độ chậm...

Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã được triển khai thực hiện hơn 1 năm, nhưng đến thời điểm này, các xã trên địa bàn tỉnh chỉ mới hoàn thành việc rà soát, đánh giá hiện trạng nông thôn mới  (NTM) theo 19 tiêu chí và thành lập các ban; chỉ có 28 xã đã cơ bản hoàn thành và đang trình thẩm định đề án XDNTM; 91 xã đã lập quy hoạch NTM, đang chờ UBND huyện phê duyệt. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo tỉnh, hiện, tiến độ thực hiện ở các địa phương còn rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của cán bộ các cấp, người dân chưa đầy đủ về ý nghĩa cũng như chưa thấy rõ vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới; lực lượng cán bộ chuyên trách chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là ở cấp xã còn thiếu, yếu. Hầu hết lực lượng này chưa được đào tạo, tập huấn kiến thức về NMT, trong khi việc xây dựng nội dung, phương pháp, quản lý đề án lại phải dựa vào các đơn vị tư vấn, khiến nhiều địa phương lúng túng trong triển khai công việc. Bên cạnh đó, một số xã điểm được chọn XDNTM đều có kế hoạch triển khai thực hiện các công trình hạ tầng cơ sở, nhưng vẫn chưa có vốn, đây cũng là một khó khăn làm chậm tiến độ. Theo Ban chỉ đạo XDNTM huyện Krông Bông, cái khó nhất của địa phương là nguồn vốn, theo kế hoạch thì đến 2015, toàn huyện sẽ có 2 xã là Hòa Sơn và Hòa Phong đạt chuẩn NTM, theo đó nhu cầu vốn ước khoảng 380 tỷ đồng, nhưng do chưa được phân bổ nên vẫn chưa có công trình NTM  nào được hoàn thành.

Giao thông  nông thôn  là tiêu chí  quan trọng nhưng hiện tại vẫn chưa có  xã nào đạt được tiêu chí này. Trong ảnh: làm đường nông thôn ở xã Ea Nam, huyện Ea H'leo.
Giao thông nông thôn là tiêu chí quan trọng nhưng hiện tại vẫn chưa có xã nào đạt được tiêu chí này. Trong ảnh: làm đường nông thôn ở xã Ea Nam, huyện Ea H'leo.

Đó là chưa kể đến việc các tiêu chí không khớp với thực tiễn nên một số địa phương gặp khó trong tính toán quy hoạch chung cho xã NTM, chia sẻ điều này, ông Phạm Thái, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ nói, đối với khu vực Tây Nguyên, về thủy lợi chủ yếu là các công trình hồ chứa, đập, trong khi đó theo bộ tiêu chí đưa ra là về kênh và đường nội đồng nên rất khó đánh giá hiện trạng NTM. Còn tiêu chí về điện thì cần căn cứ vào những điểm dân cư đã được quy hoạch để đánh giá, trường hợp những hộ dân cư tự phát không có điện thì cần phải xem lại để đánh giá cho chính xác.

Và những bất cập

Qua khảo sát về thực trạng nông thôn Dak Lak theo tiêu chí XDNTM cho thấy, hầu hết các tiêu chí đều đạt thấp và rất thấp. Theo kết quả tổng hợp 3 tháng đầu năm 2012, trong 152 xã, chỉ có 5 xã đạt 10-11 tiêu chí, trong khi có đến 58 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 78 xã đạt 2-4 tiêu chí và 11 xã đạt 1 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí về giao thông và cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng NTM chưa có xã nào trên địa bàn tỉnh đạt, tiêu chí về cơ cấu lao động chỉ có 1 xã đạt là Ea Tóh (Krông Năng), về môi trường cũng chỉ có 1 xã đạt là Ea Ô (Ea Kar), 2 xã đạt tiêu chí về nhà ở (Hòa Thuận, Buôn Ma Thuột và Quảng Tiến, Cư M’gar), 3 xã đạt về quy hoạch (Hòa Hiệp, Ea Hu thuộc Cư Kuin; Hòa Lễ, Krông Bông), 8 xã đạt tiêu chí về trường học, 13 xã đạt tiêu chí về thủy lợi và chợ, …Mặt khác, việc đánh giá hiện trạng nông thôn theo 19 tiêu chí của một số địa phương cũng cần xem xét, thẩm định lại vì không chính xác và không đúng theo hướng dẫn. Hiện chỉ mới có 7 huyện: Ea Kar, Krông Pak, Cư Kuin, Krông Ana, Krông Bông, Buôn Đôn, Cư M’gar có văn bản công nhận kết quả rà soát của các xã. Theo đánh giá  của UBND tỉnh, công tác quy hoạch và lập đề án ở cấp xã còn nhiều bất cập, chưa bắt kịp yêu cầu phát triển; công tác tổ chức, chỉ đạo thiếu tính chủ động và đồng bộ giữa các ngành, các cấp; nhiều địa phương còn trông chờ các dự án đầu tư từ Nhà nước và còn đặt nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng đến chỉ tiêu phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động…

Có thể thấy, việc các tiêu chỉ đạt thấp và những hạn chế nêu trên sẽ là rào cản cho lộ trình đạt chuẩn NTM trong năm 2015, vì vậy Ban chỉ đạo tỉnh cần có những động thái tháo gỡ vướng mắc để có hướng đi thích hợp cũng như tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Hiến kế cho vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Việt, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho hay, hiện trên địa bàn thành phố vẫn chưa có mô hình tuyên truyền XDNTM nào có hiệu quả, do vậy thành phố sẽ trích nguồn ngân sách để xây dựng những công trình có tác động đến nhận thức của cộng đồng, giúp công tác tuyên truyền được thuận lợi hơn. Đồng thời, thành phố cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn cụ thể, đơn cử như khi xây dựng đường liên thôn, thành phố sẽ hỗ trợ vật liệu, còn nông dân hiến đất…Theo đại diện của Sở KH-ĐT thì các địa phương cần xác định rõ nhu cầu sử dụng vốn, khi đó nguồn vốn mới được giải ngân.

Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, một mặt kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, tổ chức tập huấn cho các xã về NTM, mặt khác cần sớm hoàn thành đề án, quy hoạch NTM cấp xã ở các xã điểm để đến năm 2015, tỉnh sẽ đạt được những mục tiêu đề ra.

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.