Multimedia Đọc Báo in

Chặt mía thuê - nghề thời vụ có thu nhập khá

08:55, 20/02/2013

Mỗi năm khi vụ  thu hoạch  mía bắt đầu từ tháng 11 đến hết tháng 2 năm sau, thì ở các xã Ea Sa, Ea Sô (huyện Ea Kar) có rất nhiều người từ các địa phương trong và ngoài tỉnh đến để chặt mía thuê. Dẫu giá mía lên hay xuống, mía được mùa hay mất mùa thì lượng người đi chặt mía thuê vẫn luôn có việc làm và có thêm thu nhập từ công việc này.

Đã ba năm nay anh Thuận (quê ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) thường xuyên có mặt ở huyện Ea Kar vào những vụ thu hoạch mía để chặt mía thuê. Anh Thuận tâm sự, công việc chặt mía đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và chịu đựng được ngứa ngáy từ lông mía gây ra. Năm trước ở làng anh có hơn 20 người rủ nhau vào Ea Sô chặt mía, nhưng chỉ có 10 người trụ lại được vì bị dị ứng. Có người toàn thân phù nề vì lông mía, có người không chịu được kiến đen cắn. Bản thân anh cũng bị ngứa nhưng đã cố gắng chịu đựng, đến vụ mía thứ 2 thì đã quen được với cái ngứa, xót, cứa da từ lông mía. Để tránh trời nắng, mía khô thì lông rụng nhiều, nên anh thường chặt vào lúc sáng sớm và về khi trời đã tối hẳn. Có đêm trăng sáng thì tranh thủ làm việc thêm vài giờ đồng hồ nữa. Mỗi vụ mía anh đều ở lại từ 2-2,5 tháng cho đến lúc hết việc, thu nhập đem về ít nhất là 15-20 triệu đồng/người.

Anh  Trần Thanh Tuấn (quê ở  Bến Tre vào lập nghiệp tại thôn 1, xã Ea R’vê, huyện Ea Súp) cho biết, nhà anh không có nhiều đất sản xuất. Cả nhà anh có 6 khẩu chỉ trông vào 5 sào hoa màu nên từ 4 năm nay gia đình anh đều đến xã Ea Sô để chặt mía thuê. Chủ mía luôn ưu tiên cho anh làm chòi tại bãi mía và cung cấp thêm gạo, mắm, nước uống, rau xanh để cải thiện bữa ăn. Vừa chặt cho chủ mía này xong gia đình anh lại đến chặt mía ở bãi khác, cứ thế cho đến khi không còn ai thuê nữa thì trở về. Trung bình mỗi năm trừ chi phí cả nhà cũng đem về được 50-60 triệu đồng, cùng bản hợp đồng cho vụ mía năm tới. Tương tự trường hợp của anh Tuấn, nhiều người từ huyện Ea Súp cũng đến đây chặt mía thuê. Họ thường đăng ký với chủ nhà làm chòi ở tạm tại bãi mía rồi nấu ăn tại chỗ hoặc ở nhờ nhà anh em, bạn bè để đi làm.

Chặt mía thuê đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều lao động.
Chặt mía thuê đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều lao động.

 Gia đình ông Nguyễn Văn Tiên (xã Ea Sa) trồng hơn 5ha mía. Năm nào cũng có khoảng 10 người đến đăng ký chặt mía thuê. Ông Tiên cho biết, sự giúp sức trong mùa thu hoạch mía của lực lượng lao động trong và ngoài tỉnh đã giúp cho việc thu mía thêm thuận tiện và đúng vụ. Ở xã Ea Sô cũng có hơn chục hộ đã thoát nghèo nhờ đi chặt mía thuê. Do tiền nhân công chặt mía khá cao nên nhiều hộ rất chăm chỉ làm việc. Năm ngoái tiền thuê chặt mía tại xã Ea Sô tính theo bó, mỗi bó mía khoảng 10 cây rồi quy ra tiền công từ 1.200 - 1.400 đồng/bó. Trung bình mỗi ngày, mỗi người có thể chặt trên 100 bó mía, tính ra thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Còn năm nay thì tính theo sản lượng khoán với giá khoảng 19-20 triệu đồng/100 tấn cây. Với giá nhân công chặt mía như hiện nay, mỗi héc ta mía mỗi người chặt được ít nhất là trên 10 triệu đồng. Hiện tại đầu ra của sản phẩm mía khá ổn định, do hằng năm được Công ty Cổ phần Mía đường 333 ký hợp đồng nhận bao tiêu sản phẩm, nên người trồng mía ở Ea Kar yên tâm sản xuất. Theo đó, nghề chặt mía thuê cũng có cơ hội để “ăn nên làm ra”.

Ông Nguyễn Thế Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Sô cho biết, cứ vào cuối tháng 10 hằng năm, lượng người từ các địa phương khác đến đăng ký tạm trú trên địa bàn tăng cao. Họ đến để làm nghề chặt mía thuê cho các hộ trồng mía. Tính đến cuối tháng 12-2012 xã Ea Sô đã có hơn 900 người về đăng ký tạm trú để chặt mía. UBND xã cũng chỉ đạo công an xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến chặt mía thuê được đăng ký tạm trú tại các thôn, buôn rồi lập danh sách để quản lý, tránh xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trong vụ thu hoạch mía.

Xuân Hòa

 


Ý kiến bạn đọc