Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drak: Nỗ lực chống hạn cứu lúa

10:25, 03/03/2014
M’Drak, địa phương luôn có lượng mưa lớn nhất tỉnh và xã Cư San (xã xa nhất của huyện) là nơi hiếm xảy ra hạn hán thì nay mới bước vào đầu mùa khô đã phải đối mặt với hạn hán gay gắt.
 
Dọc tuyến đường vào xã Cư San những ruộng ngô, ruộng lúa khô khốc, nứt nẻ, nằm phơi mình bạc phếch dưới nắng. Khắp đầu xã đến cuối thôn đâu đâu cũng nghe bà con nông dân oán thán sự khắc nghiệt của “ông trời”. Bà Hoàng Thị Việt ở thôn 7 (xã Cư San) đứng ngồi không yên khi 3 sào lúa nước đang giai đoạn làm đòng bị cháy khô do thiếu nước. Nỗi xót xa hằn rõ trên khuôn mặt của người phụ nữ dân tộc Tày này khi nhìn những bụi lúa héo khô dần dưới cái nắng như thiêu đốt. Bà Việt nói như mếu: “Bằng giờ này mọi năm, lúa đã trổ vàng ngoài đồng chỉ chờ đến ngày gặt, còn giờ đây coi như mất trắng. Cứ mỗi lần ra thăm ruộng là tôi muốn khóc. Không biết rồi đây cả gia đình phải xoay xở như thế nào cho đến kỳ giáp hạt”. Theo bà Việt, đây là năm khô hạn nhất từ khi thành lập xã (năm 2007) đến nay. Những năm trước, với 3 sào lúa, mỗi vụ gia đình bà thu hoạch được 80 bao, nhưng năm nay coi như mất trắng.

 

Người dân xã Cư San phải bơm nước từ các khe suối để cứu lúa.
Người dân xã Cư San phải bơm nước từ các khe suối để cứu lúa.

Không kém phần lo lắng, hơn 10 ngày nay ông Giàng Seo Lử (thôn 6) loay hoay lắp đặt máy bơm hết khe này đến suối nọ để tìm nguồn nước cứu lúa.  Ông Lử nghẹn giọng nói: “Gia đình tôi chỉ có 3 sào ruộng cung cấp nguồn lương thực chính nên bằng mọi cách phải cứu lúa. Chi phí cho mỗi lần tưới mất vài trăm ngàn đồng; vài 3 ngày lại phải tưới, nếu dời máy bơm đi xa hơn, chi phí sẽ tăng thêm. Dẫu vậy, còn nước còn tát, sợ nhất là không còn nước  để bơm”. Theo ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Cư San, mặc dù địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp chống hạn  như bơm nước tưới, đào mương, đắp bờ dẫn nước từ rừng đầu nguồn về nhưng do lượng nước tại các con suối trên địa bàn đang trong tình trạng cạn kiệt nên chỉ còn biết chờ… trời. Hạn hán đang khiến nhiều nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện M’Drak cho biết, thời tiết năm 2013 diễn biến phức tạp, nắng nóng diễn ra gay gắt và kéo dài, lượng mưa trung bình chỉ đạt 80% so với mọi năm, vì vậy mực nước ngầm, nước suối giảm mạnh dẫn đến nguồn sinh thủy cho các hồ chứa thủy lợi không đủ (chỉ còn 50-60%), nhiều diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, đặc biệt là lúa nước. Đơn cử tại xã Cư M’tar, công trình thủy lợi Krông Jing mực nước dưới cống dẫn 1,5m; hồ chứa Ea Má là 1,9 m, Ea Tung là 3,5 m. Các hồ chứa thủy lợi ở xã  Krông Jing như: Ea Ktung mực nước dưới cống là 1,0 m, Ea Bôi: 1,5 m, Ea Kpal 2,0 m; các công trình khác từ 2-2,5 m. Theo thống kê mới nhất, hiện trên địa bàn huyện có 416 ha cây trồng ngắn ngày bị hạn, chủ yếu là ngô và lúa, trong đó diện tích trong kế hoạch 316 ha, ngoài kế hoạch là 100 ha. Phần lớn diện tích bị hạn tập trung ở xã Cư San - đây là điều “bất thường” bởi nhiều năm nay nơi đây chưa từng xảy ra hạn hán.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết và hạn hán diễn ra gay gắt, UBND huyện M’Drak đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các xã, thị trấn triển khai phương án chống hạn với phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài các biện pháp như điều tiết nước tưới hợp lý, ra quân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, vận động nhân dân dùng máy bơm chống hạn…, UBND huyện M'Drak cũng đã cấp 800 triệu đồng để sửa chữa một số công trình thủy lợi hư hỏng; có văn bản đề nghị cấp trên hỗ trợ hơn 3,2 tỷ đồng để nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình thủy lợi và mua dầu hỗ trợ người dân chạy máy bơm nước.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, nếu trong vài ngày tới không có mưa thì sẽ có hơn 40% công trình thủy lợi trên địa bàn huyện hết nước tự chảy, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm hàng trăm ha cây trồng bị hạn, kéo theo đó đời sống của nhiều hộ dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.