Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch phát triển cây cao su giai đoạn 2014-2020: Phần lớn diện tích khảo sát là đất lâm nghiệp

16:43, 08/08/2014

Theo Đề án quy hoạch phát triển cây cao su tỉnh Dak Lak giai đoạn 2014-2020 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua, tổng diện tích quy hoạch trồng cao su của tỉnh đến năm 2020 là 66.800 ha. Trong đó, điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch trồng cao su đã được duyệt giai đoạn trước (49.140 ha) giảm còn 48.140 ha; bổ sung diện tích quy hoạch trồng cao su kỳ này là 18.660 ha, chủ yếu được chuyển đổi từ đất nông nghiệp thiếu nguồn nước tưới và đất rừng nghèo được các bộ ngành trung ương cho phép.

Hầu hết diện tích vùng khảo sát để thực hiện Đề án là đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng 40.705 ha, gồm: đất có rừng tự nhiên 40.254 ha, đất có rừng trồng 188 ha, đất có trồng cao su xen rừng 263 ha, đất trống lâm nghiệp 1.997 ha, đất nông nghiệp xâm canh 3.966,5 ha, đất mặt nước và chuyên dùng 355 ha.

Được biết, sau 5 năm thực hiện Quyết định số 3061/QĐ-UBND, ngày 3-11-2009 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt quy hoạch phát triển cây cao su tỉnh Dak Lak giai đoạn 2009-2020, Dak Lak đã triển khai các dự án trồng cao su kết hợp với quản lý bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có 30 dự án đã triển khai trồng được 7.615 ha, các dự án còn lại chưa trồng cao su. Với đề án lần này, các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh bày tỏ và thống nhất quan điểm: Việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển cây cao su phải bảo đảm không làm phá vỡ quy hoạch đã duyệt, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đạt giá trị gia tăng cao, ổn định xã hội và nâng cao thu nhập cho nông dân, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, an toàn về môi trường tự nhiên, nhất là khu vực chuyển đổi sang trồng cao su từ rừng khộp. Điều chỉnh, mở rộng diện tích trồng cao su phải gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc