Multimedia Đọc Báo in

Tìm giải pháp tiếp cận các chính sách phát triển nông nghiệp

08:15, 29/11/2017

Để thúc đẩy nông nghiệp nông, thôn phát triển, những năm qua, Nhà nước đã ban hành các văn bản, chính sách tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp (DN), nông dân vẫn chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ.

Từ chính sách “mở”…

Cụ thể, ngày 9-6-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (NĐ 55) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây được xem là “văn bản mở” khi mở rộng đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả những cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tập trung vào quy định cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp cũng như khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua quy định về trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ nguồn vốn và các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác... 

Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tương tự, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp cũng đem lại nhiều lợi ích cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp khi ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để các tổ chức, cá nhân mua máy móc, thiết bị với mục đích giảm tổn thất trong nông nghiệp, gồm: máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, gieo cấy, thu hoạch lúa, ngô, mía; máy sấy nông sản; thu hoạch thủy sản, tưới tiết kiệm nước… Khi nông dân có nhu cầu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào phát triển sản xuất thì có gói vay 100.000 tỷ đồng, còn vay vốn tái canh cà phê thì có gói vay 3.000 tỷ với lãi suất ưu đãi…

Đến việc khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi

Chính sách là vậy, nhưng đến nay số lượng người dân, DN tiếp cận được các gói vay ưu đãi rất hạn chế, thậm chí không thể tiếp cận được vì nhiều lý do như không có tài sản bảo đảm khoản vay, thủ tục rườm rà, có người lại không biết có các chính sách trên… Chẳng hạn, huyện Cư M’gar được biết đến như là địa phương đi đầu của tỉnh trong việc vay tái canh cà phê (từ gói 3.000 tỷ đồng của chương trình vay vốn tái canh cà phê). Nhưng theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện thì đến nay, người dân trên địa bàn mới được giải ngân hơn 22 tỷ đồng, rõ ràng con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, gói vay sản xuất hữu cơ (gói phát triển nông nghiệp công nghệ cao 100.000 tỷ đồng) lại rất khó tiếp cận, bởi phải có tổ chức đứng ra xác nhận thì ngân hàng mới cho vay vốn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn là tổ chức nào có thẩm quyền xác nhận để các DN, HTX, nông dân sản xuất hữu cơ có thể tiếp cận được vốn (!).

Người dân tham quan mô hình tưới tiết kiệm nước.
Người dân tham quan mô hình tưới tiết kiệm nước.

Tại Hội nghị phổ biến các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp do Sở NN-PTNT tổ chức vào ngày 21-11 vừa qua, nhiều nông dân, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thừa nhận, dù có nhu cầu vay vốn nhưng vẫn chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ. Chị Trần Thị Hoài Nga, Giám đốc DN tư nhân chăn nuôi Hoàng Minh Phát (có trang trại chăn nuôi heo máy lạnh khép kín rộng 4 ha) tại xã Ea Nuôl huyện Buôn Đôn cho biết, trang trại của chị có tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng, sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, khi đến tham dự Hội nghị chị mới biết đến các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn và mong muốn được vay vốn ưu đãi để đầu tư hoàn chỉnh các quy trình sản xuất.

Tương tự, Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar) cho hay, HTX tham gia sản xuất cà phê FLO theo chuỗi khép kín từ trồng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến thành sản phẩm cà phê bột cung ứng ra thị trường nên nhu cầu vay vốn để tái đầu tư sản xuất rất lớn. Căn cứ theo NĐ 55 thì HTX được vay 1 tỷ đồng, nhưng đến nay đơn vị đã gõ cửa nhiều ngân hàng rồi nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Tại Hội nghị trên, đại diện ngành Ngân hàng phân tích, trường hợp của HTX thuộc đối tượng theo quy định của NĐ 55, được ưu đãi về mức cho vay không cần tài sản bảo đảm, lãi suất cho vay theo mức được ưu tiên từng thời kỳ là 6,5%/năm. Để tiếp cận gói vay này, đơn vị phải có phương án sản xuất khả thi, uy tín tín dụng, tài chính minh bạch... thì có thể vay vốn tại Ngân hàng NN-PTNT.

Như vậy, sự ra đời của các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp đã mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống thì các DN, HTX, nông dân phải có tiền đề sản xuất vững vàng còn ngành Ngân hàng cũng cần tích cực hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục vay vốn, kịp thời giải ngân gói vay...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.