Multimedia Đọc Báo in

Bất động sản Đắk Lắk: Hướng đến nhu cầu thật

08:35, 18/07/2021

Thiết lập trật tự, kỷ cương quy hoạch sử dụng đất, ưu tiên đầu tư các khu đô thị mới, tăng diện tích các đô thị hiện đại, văn minh, hài hòa môi trường, bảo vệ màu xanh Tây Nguyên là mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Trong đó, hướng định dạng các đô thị, khu dân cư mới đáp ứng nhu cầu nhà ở có thật của người dân, tránh để thị trường tăng trưởng “ảo” là một thách thức không đơn giản.

Tránh bất động sản “ảo” giá

Không ít chuyên gia tư vấn đầu tư đã chỉ ra rằng công tác quy hoạch, phát triển không gian đô thị trong tầm nhìn của nhà quản lý là điều kiện quyết định “sống còn” cho các vùng đất. Một khi các dự án đầu tư đô thị có biểu hiện chồng chéo, vi phạm quy hoạch, khai thác trước khi hoàn thiện pháp lý, chắc chắn thị trường sẽ nảy sinh tiêu cực. Hệ quả là nhà đất không ngừng tăng giá, dẫn đến “bong bóng ảo”, triệt tiêu cơ hội sở hữu nhà đất có thật của người dân.

Để tránh điều đó, về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, vai trò cơ quan chuyên môn rất quan trọng. Việc xây dựng các bản đồ quy hoạch là căn bản, nhưng tuân thủ những bản đồ đó, kiểm soát chặt chẽ, không để hiệu chỉnh lại bản đồ mới là nền tảng giữ vững định hướng chung.

Thực tế cho thấy, không ít khu quy hoạch đã ấn định rõ ranh giới nhưng khi đi vào đầu tư, bởi nhiều tác động khác nhau, kể cả hời hợt trong giám sát, dẫn đến một số sai lệch thực địa. Độ sai khác, bị chồng lấn giữa những bản đồ 1/500 của các dự án cụ thể, với bản đồ 1/2000 về quy hoạch địa giới chung đã ảnh hưởng việc kiểm soát các dự án đầu tư hạ tầng, khiến nhiều dự án không thể hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Một số diện tích đất trên địa bàn TP. Buôn Ma thuột, người dân tự làm đường, phân lô để bán.
Một số diện tích đất trên địa bàn TP. Buôn Ma thuột, người dân tự làm đường, phân lô để bán. Ảnh: Hoàng Minh Thùy

Trong khi đó, do nóng vội hoặc thực lực đầu tư yếu, không ít chủ đầu tư đã vội vàng tổ chức kinh doanh, khai thác thị trường nhằm huy động tài chính các nhà đầu tư. Từ đó, họ lần lượt phạm sai lầm về giá bán, chậm giao mặt bằng, thủ tục…, mâu thuẫn với người mua và xáo trộn dư luận. Việc này đẩy các dự án vào thế khó, chủ đầu tư tiếp tục bán tháo quay vốn khiến giá bất động sản tăng. Đến lúc mức giá vượt sức thị trường, nạn “bong bóng ảo” xảy ra, gây hại cực kỳ lớn đến toàn cảnh kinh tế đầu tư địa phương.

Vì một thị trường nhu cầu thật!

Nhận diện rõ tình hình đã từng xảy ra với nhiều địa phương như vậy, công tác quản lý quy hoạch, giám sát đầu tư của tỉnh Đắk Lắk thời gian qua đã được chấn chỉnh nghiêm khắc. Các dự án đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị ở địa bàn được triển khai tích cực hơn với yêu cầu chủ đầu tư phải có năng lực thật, phải đủ các cơ sở pháp lý mới đi vào kinh doanh thương mại. Tiêu chí cho các dự án đô thị, khu dân cư mới trên địa bàn, là phải đáp ứng nhu cầu nhà ở có thật của người dân, tránh tăng giá ảo chạy theo thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Tài nguyên - Môi trường Đắk Lắk đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất 4 tổ chức với diện tích hơn 158,54 ha; giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng, gia hạn thời gian thuê… cho 10 tổ chức với tổng diện tích hơn 115 ha. Tỉnh đã duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2021 cho huyện Krông Bông, Ea H’leo; bổ sung danh mục dự án vào kế hoạch sử dụng đất ở huyện Krông Năng, Ea Kar; cùng nhiều quyết định điều chỉnh, đánh giá thực tiễn sử dụng đất, tác động môi trường ở các địa phương. Trong 6 tháng, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hơn 1 triệu ha đất, đạt tỷ lệ 97,1% diện tích cần cấp; trong đó 606.388 ha cho các tổ chức và 406.187 ha cho các cá nhân và hộ gia đình.

Với TP. Buôn Ma Thuột, định hướng quy hoạch theo Nghị quyết 03 của Chính phủ được áp dụng nghiêm. Địa phương hình thành, xây dựng các khu đô thị mới theo hướng hiện đại, đồng bộ, phù hợp các tiêu chí đô thị loại 1, và triển khai đầu tư hạ tầng các khu dân cư gắn với phát triển quỹ đất, quỹ nhà ở theo nhu cầu thực tế của người dân.

Nhờ vậy, tỷ lệ triển khai đầu tư thực tiễn về hạ tầng đô thị, hoàn thiện các thủ tục pháp lý của các dự án đô thị mới đã tăng nhanh và ổn định tại địa bàn. Nhiều dự án đã từng bước hình thành đầy đủ hạ tầng, cảnh quan, bảo đảm kiến trúc ấn tượng, thu hút thị trường nhà ở thực tế của người dân, như Khu đô thị Ân Phú (đường Hà Huy Tập), Khu đô thị Km7, Khu đô thị sinh thái Suối Xanh, Dự án phát triển nhà ở Tân Lợi...

Trong đó, Khu đô thị Ân Phú là dự án đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đầy đủ các thủ tục pháp lý, dự án duy nhất ở cửa ngõ Buôn Ma Thuột được quy hoạch, phân phối đất nền sở hữu dài lâu, cho người dân tự xây dựng nhà ở, hướng vào nhu cầu nhà ở thực tế của người dân Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột và vùng xung quanh.

Nguyên Đức


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.