Multimedia Đọc Báo in

Sức bật từ các mô hình nông hộ

08:40, 18/07/2021

Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở huyện Ea Kar ngày càng phát triển và lan tỏa rộng, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân.

Những nông dân triệu phú

Năm 2014, ông Nguyễn Đình Dậu (thôn 7, xã Ea Păl) được Hội Nông dân xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay 15 triệu đồng để đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau khi có lợi nhuận, ông đầu tư nuôi thêm heo thịt để “lấy ngắn nuôi dài” cải tạo lại vườn cà phê của gia đình.

Hơn 3 năm chăm chỉ làm ăn, ông Dậu đã trả được hết nợ và vươn lên thoát nghèo. Năm 2017, ông liên kết với doanh nghiệp Viên Sơn (tỉnh Lâm Đồng) trồng khoai lang xuất khẩu và đã chuyển đổi đất trồng lúa 2 vụ sang trồng 1 vụ khoai, 1 vụ lúa. Nhờ vậy, doanh thu tăng gấp 3 lần, cho gia đình thu nhập ổn định. Đến nay gia đình ông có 1 ha cà phê, 0,8 ha tiêu, 6 ha trồng một vụ lúa nước và một vụ khoai lang. Hằng năm trừ chi phí đầu tư, gia đình thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế của gia đình, ông Dậu thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với hội viên nông dân trong chi hội về giảm chi phí đầu tư, sử dụng phân, thuốc trừ sâu sinh học nhằm bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tạo việc làm cho 10 lao động thời vụ tại địa phương.

Nhiều nông dân xã Ea Sar (huyện Ea Kar) thu nhập cao từ cây mít. Ảnh: Minh Thuận
Nhiều nông dân xã Ea Sar (huyện Ea Kar) thu nhập cao từ cây mít. Ảnh: Minh Thuận

Bén duyên với cây nhãn từ gần chục năm trước, ông Hoàng Huy Bình (thôn 6A, thị trấn Ea Knốp) hiện đang sở hữu vườn nhãn rộng 1,5 ha.  Với giá bán dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg như hiện nay, cây nhãn đã đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho gia đình. Ngoài trồng nhãn, ông Bình còn vay vốn đầu tư trang trại chăn nuôi rộng 0,8 ha, nuôi 500 con gà giống, 2.000 con gà thịt, 29 con heo sinh sản. Mỗi năm, mô hình tổng hợp của gia đình ông cho lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.

Bình quân hằng năm, huyện Ea Kar có 8.350 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó, đạt danh hiệu cấp Trung ương và tỉnh chiếm 7%; cấp huyện chiếm 24% và cấp xã chiếm 69%.

Trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi còn có thể kể đến các nông hộ như ông Nguyễn Văn Đạo (buôn xê Đăng, xã Ea Sar) với mô hình trang trại tổng hợp rộng hơn 11 ha, trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi hơn 80 con heo nái sinh sản, heo thịt duy trì trong chuồng 800 con, cho thu nhập 2,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Hay hộ ông Nguyễn Thành Trung (thôn 7A, xã Ea Ô) có 100 cây bưởi, 300 cây cam, quýt, 100 cây mít, 500 m2 ao cá, 150 m2 chuồng, trại chăn nuôi heo, lợi nhuận thu về 450 triệu đồng/năm...

Nhân rộng những mô hình hay

Xác định nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là phong trào trọng tâm, đã và đang đem lại hiệu quả trong đời sống, kinh tế, xã hội nông thôn, thời gian qua các cấp hội trên địa bàn huyện đã tập trung chỉ đạo phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Để tạo vốn cho nông dân đầu tư sản xuất, nhất là hộ nghèo, hộ chính sách, Hội đã ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi giúp trên 4.400 lượt hội viên, nông dân vay vốn thông qua 127 tổ vay vốn ở địa bàn dân cư với tổng dư nợ tính đến ngày 30-4-2021 là trên 144 tỷ đồng; phối hợp tổ chức 975 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 55.935 lượt hội viên, nông dân; xây dựng được 162 mô hình về cây trồng, vật nuôi, ngành nghề mới để hội viên học tập nhân rộng.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh, huyện Ea Kar tham quan mô hình kinh tế của hội viên nông dân xã Ea Sar.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh, huyện Ea Kar tham quan mô hình kinh tế của hội viên nông dân xã Ea Sar.

Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút và tạo việc làm cho hàng chục lao động, cho thu nhập từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. So với giai đoạn 2011 - 2016, số hộ có mức thu lợi nhuận hằng năm trên 200 triệu đồng tăng gấp 5 lần, trên 1 tỷ đồng tăng gấp 3 lần. Từ năm 2017 đến năm 2021, các cấp hội đã vận động giúp được 2.820 hộ hội viên nghèo, trong đó có 2.092 hộ vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo toàn huyện xuống còn 2.975 hộ, chiếm 7,44%.

Bên cạnh đó, một số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất chuyên canh, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng. Điển hình như mít, cam, quýt (xã Cư Elang); cây gấc (xã Ea Ô); cây vải, nhãn (xã Ea Sar)...

Ông Dương Văn Thừa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ea Kar cho biết: “Việc hình thành được vùng sản xuất chuyên canh tạo điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích vùng sản xuất, nâng cao năng suất, gia tăng chất lượng sản phẩm và làm nền tảng cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Vân Anh


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.