Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới nhìn từ việc thực hiện tiêu chí về y tế

06:01, 09/11/2012

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới có tiêu chí số 15 về y tế quy định xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phải đạt chuẩn quốc gia về y tế. Song đến nay, nhiều địa phương vẫn loay hoay tìm cách đạt được nội dung này.

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, Quyết định số 370/QĐ-BYT về chuẩn quốc gia về y tế xã, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua ngành Y tế đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về triển khai, thực hiện chương trình chuẩn quốc gia về y tế xã. Hiện toàn tỉnh có 172/184 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2001-2010, đạt trên 93%. Tuy nhiên, khi thực hiện Bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2 (2011-2020) theo Quyết định số 3447/QĐ-BYT ngày 22-9-2011 của Bộ Y tế, việc triển khai xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, bởi có nhiều tiêu chí đòi hỏi cao hơn trước. Chẳng hạn, tiêu chí về cơ sở hạ tầng đòi hỏi mỗi trạm y tế đạt chuẩn phải có ít nhất 10 phòng chức năng; hay với tiêu chí về trang thiết bị lại đòi hỏi các trạm phải có ít nhất 50% trang thiết bị theo danh mục đã ban hành gồm 176 loại, trong đó 3 loại thiết bị bắt buộc phải có là máy siêu âm, máy điện tim và máy đo đường huyết… Thế nhưng hiện nay hầu hết các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đều chưa có máy siêu âm, một vài nơi được trang bị máy lại thiếu nhân lực có trình độ để sử dụng.

Bác sĩ Võ Thị Kim, Trạm Y tế phường Thành Nhất tư vấn kiến thức  làm mẹ cho phụ nữ mang thai trên địa bàn.
Bác sĩ Võ Thị Kim, Trạm Y tế phường Thành Nhất tư vấn kiến thức làm mẹ cho phụ nữ mang thai trên địa bàn.

Có thể thấy rằng, để xây dựng nông thôn mới, những khó khăn về cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị, nhân lực của y tế xã cũng có thể giải quyết bằng sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương và ngành chức năng về nhân lực, vật lực qua từng năm. Song để đạt được chuẩn quốc gia về y tế, ngoài những tiêu chí khắt khe nói trên, Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn mới còn đòi hỏi nhiều tiêu chí khác mà không phải địa phương nào cũng thực hiện được ngay. Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Lê Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trong việc thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã, phường giai đoạn 2011-2020 có những tiêu chí khách quan nằm ngoài tầm tay của y tế địa phương. Cụ thể, tỷ lệ hộ gia đình trong xã sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh phải đạt 70% trở lên (đối với khu vực miền núi) và 90% trở lên (đối với khu vực thành thị); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên < 11%o (khu vực miền núi) và <8%o (khu vực thành thị); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong tổng số bà mẹ sinh con <15% (khu vực miền núi) và <5% (khu vực thành thị); tỷ lệ người dân tham gia BHYT các loại đạt 70% trở lên (giai đoạn 2011- 2015) và 80% trở lên (giai đoạn 2016-2020)... Cũng chính vì Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn mới có nhiều đòi hỏi cao hơn giai đoạn trước nên trong những năm đầu tiên thực hiện lộ trình xây dựng xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế của thành phố giai đoạn 2011-2020, xã Ea Kao chưa được xếp vào 6 đơn vị phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2012 mặc dù nơi đây được chọn là xã điểm về xây dựng nông thôn mới. Những đơn vị được chọn xây dựng đạt chuẩn trong thời gian này hiện đã đạt được trên 50% số điểm theo quy định trong Bộ tiêu chí. Bác sĩ Võ Thị Kim, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thành Nhất (một trong 6 đơn vị nói trên) chia sẻ, trong 10 tiêu chí Bộ Y tế ban hành về chuẩn quốc gia y tế xã, phường những tiêu chí do trạm y tế tự thực hiện chúng tôi đã đạt điểm tối đa, còn những tiêu chí xuất phát từ điều kiện khách quan bên ngoài thì rất khó thực hiện và phải phấn đấu nhiều, như tiêu chí thứ 4 về vấn đề xử lý rác thải và xử lý nhà tiêu hợp vệ sinh. Hiện nay, vẫn biết quy trình xử lý rác thải của trạm chưa đúng, nhưng chúng tôi cũng không thể làm khác hơn vì thiếu máy móc, dụng cụ xử lý. Hay như các tiêu chí về tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3... không phải nói là thực hiện được ngay mà còn phụ thuộc vào công tác tuyên truyền của các hội, đoàn thể, rồi nhận thức của nhân dân...

Từ thực tế xây dựng chuẩn quốc gia về y tế của TP. Buôn Ma Thuột cho thấy, để thực hiện tốt tiêu chí số 15 về y tế trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần phải xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể, kèm theo đó là những giải pháp đồng bộ, phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Bên cạnh đó, xác định thực hiện toàn diện các chuẩn là một yêu cầu của việc thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã, song việc thực hiện ưu tiên đối với từng chuẩn trong khoảng thời gian nhất định và căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh thực tế của địa phương là rất cần thiết. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các địa phương hoàn thành tiêu chí y tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.