Multimedia Đọc Báo in

Phát huy trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội trong phòng ngừa người tâm thần gây án

09:00, 28/01/2013

Tình trạng người tâm thần gây án là vấn đề không mới nhưng trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, tình trạng này đang có xu hướng gia tăng, gióng hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và các cơ quan chức năng trong chăm sóc, quản lý, bảo trợ xã hội đối với người rối nhiễu tâm trí hoặc mắc các chứng bệnh khác về tâm thần.

Những năm qua, nhiều vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng do thủ phạm là người mắc các chứng bệnh tâm thần, hoặc có tiền sử bệnh tâm thần gây ra trên địa bàn tỉnh đã để lại những nỗi đau cho người thân trong gia đình chính thủ phạm và nạn nhân. Tuy nhiên nhiều gia đình vì điều kiện khó khăn, mất cảnh giác, không quan tâm đến việc quản lý, chữa trị, phục hồi chức năng cho người thân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần mà chấp nhận sống chung với người bệnh, để rồi hậu quả đau lòng tiếp tục xảy ra.

Ngày 16-5-2011, người dân thôn 7, xã Ea Pal (huyện Ea Kar) bàng hoàng khi phát hiện tại giếng nước trong rẫy của anh Trần Quốc Thanh có xác chết của 2 cháu bé Mai Văn Đ (SN 2006) và Trần Quốc B (SN 2007). Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã vào cuộc và nhanh chóng kết luận thủ phạm gây ra cái chết cho 2 cháu bé là Nguyễn Thị Hường (SN 1980, quê quán: xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), là mẹ của cháu B và là cô ruột của cháu Đ. Qua điều tra xác định: Tháng 5-2010, Hường có biểu hiện bị bệnh tâm thần, mặc dù gia đình đã đưa đi khám, chữa bệnh tại nhiều nơi nhưng bệnh tình chưa thuyên giảm. Do hoang tưởng rằng mình và con sẽ bị mọi người đem đốt nên Hường đã nảy sinh ý định giết cháu B để tránh khỏi bị mọi người đốt và sau đó đã đưa B và cháu ruột là Đ đến rẫy của anh Trần Quốc Thanh bỏ 2 cháu xuống giếng.

Phát thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.    Ảnh: Hương Thi
Phát thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Ảnh: Hương Thi

Hay như vụ án xảy ra vào ngày 11-8-2011, trong khi ngồi chơi với con trai là Nguyễn Đăng Q (SN 2010), Nguyễn Đăng Trình (SN 1980, thường trú tại tổ dân phố 2, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ, có tiền sử mắc bệnh tâm thần) đã phát bệnh, dùng 1 khúc cây cà phê khô đập 2 nhát vào đỉnh đầu cháu Q làm nạn nhân chết tại chỗ. Sau đó Trình bế xác con đến bỏ ở lô cà phê cùng thôn cách nhà khoảng 200m.

Mới đây, ngày 16-10-2012, Trần Thanh Nhiên (SN 1979, trú tại thôn 3, xã Cư Môt, huyện Ea H’leo) đã dùng dao chém nhiều nhát vào đầu vợ là Phạm Thị T (SN 1982) làm nạn nhân chết ngay tại chỗ. Sau đó y bế xác vợ đặt lên giường rồi chốt cửa giữ 2 con nhỏ trong nhà. Kết quả giám định xác định Nhiên mắc bệnh tâm thần hoang tưởng…

Trong Đề án 1215 về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Y tế thực hiện đã đánh giá: Người tâm thần chưa được tập trung đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc và phục hồi chức năng, gần 80% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng đang lang thang ngoài xã hội hoặc sinh sống tại gia đình; các địa phương mới chỉ quan tâm đến các đối tượng trẻ mồ côi, tàn tật, người già cô đơn, người có công… mà chưa chú ý đến người tâm thần mãn tính; hầu hết cán bộ, nhân viên các cơ sở bảo trợ xã hội chưa được đào tạo về chuyên ngành chăm sóc sức khỏe tâm thần… Đó là thực trạng chung và cũng là nguyên nhân gia tăng của tình trạng người mắc các bệnh tâm thần gây án trên cả nước, trong đó có tỉnh Dak Lak. Để loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện này, trước hết, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ trì là ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cần phối hợp với ngành Y tế rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng người mắc bệnh tâm thần còn ở ngoài xã hội; đánh giá chất lượng công tác chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần tại các cơ sở bảo trợ xã hội để từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp có biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý người mắc bệnh tâm thần, thực hiện có hiệu quả Đề án 1215 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, thực hiện tốt nội dung “bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em” trong Dự án “Phòng chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm với cộng đồng” của Chương trình mục tiêu quốc gia y tế giai đoạn 2012 – 2015, theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg, ngày 4-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Thiết nghĩ, UBND tỉnh và các ngành chức năng cần quan tâm đầu tư xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe người tâm thần và đầu tư nâng cấp bệnh viện tâm thần tỉnh để có điều kiện quản lý, điều trị cho người tâm thần một cách tích cực hơn. Lực lượng Công an trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh trật tự, ngoài việc đề xuất áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người tâm thần gây án, cần chủ động phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn mắc bệnh tâm thần, qua đó trao đổi thông tin với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, cùng với ngành Y tế phối hợp tổ chức giám định tâm thần, xác định mức độ bệnh để có căn cứ áp dụng các biện pháp quản lý thích hợp đối với người bệnh.

Ngoài ra, vai trò quan trọng không thể thiếu đó là sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân về hậu quả tác hại từ việc mất cảnh giác, chủ quan xem nhẹ việc quản lý, chăm sóc cho người có tiền sử mắc bệnh tâm thần trong các gia đình, thôn xóm. Thông qua các kênh truyền thông cũng tạo những nhịp cầu nối những người có tấm lòng hảo tâm, các tổ chức nhân đạo với những gia đình hoàn cảnh khó khăn có người thân không may mắc các chứng bệnh tâm thần mãn tính.

Việc phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp quản lý, chăm sóc, phục hồi chức năng thích hợp cho người mắc bệnh tâm thần là một việc làm khó khăn, lâu dài, không phải một sớm một chiều nhưng với sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, người mắc bệnh tâm thần sẽ được hưởng các dịch vụ chăm sóc tối ưu nhất và xã hội không phải chứng kiến những án mạng thương tâm mà thủ phạm cũng chính là nạn nhân của căn bệnh quái ác này.

Đại tá Đoàn Quốc Thư

(Phó Giám đốc Công an tỉnh)


Ý kiến bạn đọc