Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng môi trường sống lành mạnh cho thanh niên

15:50, 13/12/2013
Toàn tỉnh hiện có hơn 455.000 thanh niên, chiếm tỷ lệ khoảng trên 30% dân số của tỉnh. Thanh niên Dak Lak là lực lượng trẻ, khỏe, hùng hậu, là nguồn nhân lực chất lượng tại các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
 
Thanh niên ngày nay chủ động hơn, quan tâm hơn và có trách nhiệm hơn với những vấn đề của đất nước và quốc tế. Lòng nhân ái, nhân văn, tích cực tham gia các hoạt động chính trị - xã hội và tinh thần xung phong, tình nguyện, ý thức chia sẻ của thanh niên ngày càng được khơi dậy mạnh mẽ và khẳng định bằng những hành động, nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống, sẵn sàng vì lợi ích dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội. Từ thực tế, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn một bộ phận thanh niên có biểu hiện lệch lạc về giá trị đạo đức và lối sống, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, vi phạm pháp luật. Chỉ tính riêng về tệ nạn ma túy, theo thống kê của cơ quan chức năng năm 2012, trong tổng số 1.038 người nghiện trên địa bàn tỉnh có đến 742 người trong độ tuổi thanh thiếu niên (chiếm hơn 70%); trong tội phạm hình sự, đối tượng từ 16 đến 30 tuổi chiếm 67,56%, dưới 16 tuổi chiếm 10,05%.

Xảy ra tình trạng này có nguyên nhân từ “mặt trái” của môi trường xã hội đã tác động đến thanh thiếu niên: tình trạng bạo lực học đường, Internet “đen”, phim ảnh đồi trụy, bạo lực, buôn bán trái phép chất ma túy, tệ nạn mại dâm. Đó còn là thực trạng thiếu cơ sở hạ tầng cho các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, phát triển đời sống tinh thần gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thanh thiếu niên. Và một nguyên nhân không nhỏ là sự buông lỏng trong quản lý, giáo dục con cái của gia đình. Trong một lần tổ chức chương trình “Kết nối yêu thương” tại trại giam Đ.T, chúng tôi đã gặp Nguyễn Văn T. – một phạm nhân trong độ tuổi thanh niên bị nhiễm HIV/AIDS. T. cho biết từ nhỏ đã phải sống trong một gia đình không hòa thuận, bố mẹ thường xuyên cãi vã, T. nhiều lần chứng kiến cảnh bố uống rượu say, đánh đập mẹ. Mẹ T. do sống trong cảnh nghèo khó, túng quẫn, lại không hạnh phúc trong hôn nhân nên tính cách cũng vì thế mà trở nên cộc cằn, thô lỗ. T. chán nản, sớm bỏ học, tụ tập cùng những đứa trẻ hư trong xóm. Và cứ thế, T. ngày càng trượt dài trên con đường hư hỏng, từ chỗ ăn trộm những thứ lặt vặt của gia đình hàng xóm, đến móc túi ngoài chợ và cướp giật tài sản. T. cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của “nàng tiên nâu” và hậu quả là mắc phải “căn bệnh thế kỷ” AIDS. Không chỉ riêng trường hợp của T., theo kết quả khảo sát, mỗi năm cả nước có 70.000 vụ ly hôn, tội phạm vị thành niên rơi vào những gia đình này chiếm tỷ lệ trên 60%. Theo hồ sơ các vụ án, nguyên nhân và điều kiện phạm tội trong lứa tuổi thanh thiếu niên chủ yếu là do xốc nổi, bốc đồng muốn khẳng định bản thân, thiếu kiềm chế và hạn chế trong giao tiếp ứng xử, thiếu hiểu biết về pháp luật.

Lực lượng sinh viên tình nguyện đã có nhiều hoạt động cống hiến cho cộng đồng. Trong ảnh: Các sinh viên tình nguyện hướng dẫn các em thiếu nhi chơi trò chơi tập thể.            Ảnh: Hoàng Gia
Lực lượng sinh viên tình nguyện đã có nhiều hoạt động cống hiến cho cộng đồng. Trong ảnh: Các sinh viên tình nguyện hướng dẫn các em thiếu nhi chơi trò chơi tập thể. Ảnh: Hoàng Gia

Từ thực tế đó cho thấy, vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cho thanh thiếu niên cần được coi trọng hơn nữa. Cần xây dựng một chương trình giáo dục toàn diện, không chỉ tập trung “dạy chữ” mà còn phải tăng cường “dạy người”, qua đó giúp cho các em không những có tri thức mà còn biết sống đúng, sống đẹp, sống có ích. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn đến công tác hướng nghiệp và tạo việc làm cho học sinh, sinh viên, thanh niên. “Nhàn cư vi bất thiện”, thực tế cho thấy đa số tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên là những kẻ lêu lổng, không có nghề nghiệp, việc làm. Có những thanh  niên sau cai nghiện ma túy, về nhà rảnh rỗi, không biết làm gì ngoài việc tụ tập cùng bạn bè chơi bời và rồi lại tái nghiện…

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Chính vì vậy, tất cả các cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp cần phải tuyên truyền, vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, đoàn viên, hội viên… thực sự là một tấm gương sáng về đạo đức, lối sống để cho con em trong gia đình học tập, noi theo. Trong một gia đình, con cháu thường “nhìn” vào bố mẹ, ông bà, cô chú… để bắt chước; trong một nhà trường, học sinh thường “nhìn” vào thầy cô để học theo. Một gia đình hòa thuận, mọi người quan tâm chăm sóc, chia sẻ với nhau sẽ là một môi trường để con người phát triển nhân cách tốt đẹp.

Nếu cả 3 môi trường: gia đình – nhà trường – xã hội cùng phối hợp chặt chẽ, đề ra các giải pháp đồng bộ và nâng cao tinh thần trách nhiệm để chung tay xây dựng môi trường lành mạnh cho thanh niên học tập, lao động, công tác, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, thanh niên sẽ thực sự là “rường cột nước nhà”.

Xuân Giang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.