Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về một phụ nữ người Kinh lớn lên nhờ dòng sữa của người mẹ Êđê

16:19, 27/03/2014
Ngoài 45 tuổi mà trông chị H’Rui Êban ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột) vẫn trẻ trung, luôn toát lên sự hồ hởi, nhiệt tình.
 
Chị hiện là một trong những cán bộ xuất sắc nhất của Hội Phụ nữ xã Ea Tu, vừa là tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội đầy nhiệt tình, trách nhiệm, đồng thời còn là một trong 4 thành viên năng nổ của Đội công tác vận động quần chúng xã Ea Tu từ năm 2001 đến nay. Nhìn người phụ nữ này, ít ai biết rằng chị vốn là người Kinh, có một tuổi thơ “dữ dội” bởi chiến tranh và đã được cưu mang, lớn lên nhờ dòng sữa của người mẹ Êđê…
 
Sau một trận chiến trong Tết Mậu Thân 1968, trong khói bụi và mùi khét lẹt, tanh nồng của thuốc súng, của máu, người lính ngụy quân Y Khia Byă chợt thấy sự động đậy bên xác một người phụ nữ. Đến gần, anh ta phát hiện một đứa bé khoảng gần một tuổi, thân hình bé tẹo, gầy còm, ghẻ lở khắp người đang thoi thóp thở. Y Khia định bỏ đi, nhưng cảm thấy không đành lòng nên đã quay lại, bế đứa bé lên… Trên đường về, không biết nên làm thế nào, Y Khia rẽ lối vào buôn Kô Tam, mang đứa bé đưa cho bà H’Dit Êban. Họ để đứa bé nằm giữa sân và ai đó buột miệng: “H’Rui” (tiếng Êđê, H’Rui là con ghẻ) và H’Rui Êban trở thành tên của đứa bé gái. H’Rui lớn lên trong chật vật, khó khăn vì gia đình thiếu thốn đủ bề. Lúc còn bé tí, H’Rui đã phải cõng chiếc gùi trên lưng cùng cả nhà lên nương rẫy, học hành bữa được, bữa mất. Vốn là đứa trẻ sáng dạ, nhanh nhẹn, thông minh, hôm nào không đi học được thì buổi tối H’Rui sang nhà cô giáo nhờ chỉ bảo. Học hết lớp 9 thì H’Rui phải nghỉ học để lo việc gia đình vì cha mẹ nuôi đã già yếu.
 
Chị H’Rui Êban thường xuyên đến thắp hương tại bia tưởng niệm các liệt sĩ  đã hy sinh trong Tết Mậu Thân lịch sử 1968.
Chị H’Rui Êban thường xuyên đến thắp hương tại bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong Tết Mậu Thân lịch sử 1968.

Thông tin H’Rui là đứa trẻ người Kinh sống sót trong Tết Mậu Thân, hiện làm con nuôi một gia đình người Êđê đã khiến nhiều gia đình có người thân bị thất lạc dịp đó tìm đến, người ở tận Khuê Ngọc Điền, có người ở Km38, lại có người ở Phước An… H’Rui không muốn ai buồn nên không cho thử ADN, vui vẻ nhận họ là người thân, gắn bó đi lại với các gia đình đó mãi đến tận bây giờ. Lúc này, các lão thành cách mạng như Ama Tăk, Nay Khu, Y Luyện Niê Kđăm (nguyên là Bí thư Tỉnh ủy) đã giúp H’Rui tìm được cha mẹ ruột và giúp chị làm thủ tục đề nghị cơ quan chức năng công nhận chị là con của hai liệt sĩ – cha là Bùi Thanh, mẹ là Nguyễn Thị Độ quê ở Bình Quý, Thăng Bình, Quảng Nam – đã anh dũng hy sinh trong  cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 tại Km7 Quốc lộ 26 (nay thuộc phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột).

Năm 17 tuổi, H’Rui lấy chồng ở cùng buôn. Chồng chị là Y Wet Mlô, từng là một du kích gan dạ trong kháng chiến. Vợ chồng H’Rui chịu thương, chịu khó, cần cù học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng một mô hình kinh tế hiệu quả cao.  Hiện nay, gia đình chị đã có thu nhập ổn định, xây được nhà ở khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt. Đặc biệt, gia đình H’Rui là một tấm gương hiếu học tiêu biểu ở thành phố; cả 4 người con của anh chị đều được ăn học đến nơi đến chốn, 3 người con lớn đã tốt nghiệp đại học, còn cô út đang học năm thứ hai ở Trường Đại học Tây Nguyên. Bản thân H’Rui luôn nhiệt tình tham gia công tác xã hội ở địa phương. Chị làm việc rất trách nhiệm, chịu khó đi sâu, đi sát địa bàn nắm bắt các đối tượng; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định, hương ước của địa phương. Cũng trong quá trình đi vận động quần chúng, H’Rui phát hiện: không chỉ ở địa bàn của xã, buôn mình mà ở nhiều địa phương khác như các huyện Cư Kuin, Krông Pak, Krông Bông…  nhiều thanh niên không có việc làm nên rảnh rỗi, lêu lổng, tụ tập nên dễ sa ngã, hư hỏng. Chị trở thành cầu nối giới thiệu việc làm cho thanh niên. Ban đầu có 5-7 người, chị đích thân dẫn họ đến tận các công ty, doanh nghiệp, làm hợp đồng chặt chẽ giao việc cụ thể cho từng người rồi mới về. Cứ thế, từ năm 2011 đến nay, H’Rui đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.068 người, phần lớn là thanh niên người dân tộc thiểu số. Riêng năm 2013, chị đã giới thiệu cho 406 người làm việc ở các doanh nghiệp như: Công ty Ichihirô Việt Nam ở Tây Ninh, các công ty Sam Hô, Kim Đức, Kim Vượng ở TP.Hồ Chí Minh… với thu nhập bình quân hằng tháng từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Chị bộc bạch: “Mình kết hợp thôi, cán bộ vận động quần chúng mà. Mình không giúp họ thì họ không có việc làm, không có thu nhập, còn các công ty, doanh nghiệp cũng không có lao động, không làm ra của cải. Lãng phí quá”. Nhờ sự giúp đỡ của chị, nhiều hộ như gia đình anh Y Dân, chị H’Íp Niê ở buôn Kô Tam (xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột), chị H’Nhé ở buôn Ea Kmát (xã Hòa Đông, huyện Krông Pak)… sau gần 3 năm có việc làm đã dành dụm được tiền giúp gia đình xây dựng, sửa sang nhà cửa, mua máy cày, xe máy và phương tiện sinh hoạt đắt tiền…

Viết Dần


Ý kiến bạn đọc