Multimedia Đọc Báo in

Khát vọng phía khơi xa

16:15, 27/03/2014
Có lẽ không có nơi nào đẹp hơn dải bờ biển vùng duyên hải Nam Trung bộ. Dải bờ biển trải dài khoảng 800 km cùng với những giá trị đa dạng về cảnh quan sinh thái, di tích lịch sử và văn hóa, sự kết hợp hài hòa giữa biển và núi đã tạo ra nhiều kỳ quan, thắng cảnh hùng vĩ. Những ngày đầu năm, biển lặng. Đi trong ngan ngát hương xoài lan tỏa, đại dương ngời lên màu ngọc bích. Biển vào xuân, trong lành và ấm áp. Làng cửa biển lại rộn ràng cho lễ hội mùa xuân và những chuyến ra khơi…

Một năm vừa đi qua với người làng biển đầy nỗi ưu tư buồn vui khấp khởi. Một mùa cá ngừ đầu năm chưa kịp mừng với sản lượng đánh bắt cao hơn những năm trước thì nỗi lo ập đến bởi cá rớt giá. Những tháng tiếp theo biển đói, nghề lưới xúc, lưới mành, câu… càng đi càng lỗ. Tiền thu được không đủ phí tổn và chia cho bạn. Khó khăn chung do khủng hoảng kinh tế, giá vật tư xăng dầu tăng cao, thời tiết bất thường, sau mỗi chuyến ra khơi nợ chồng lên nợ. Không khỏi xót xa trước cảnh những con tàu nằm dài trên bến và ánh mắt thất thần của ngư dân sau mỗi chuyến biển xa. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước nhằm giúp ngư dân hướng tới làm giàu bền vững, vươn ra khai thác khơi xa cũng chưa thể vơi hết khó khăn.

Nụ cười lão ngư
Nụ cười lão ngư

Người làng biển thật lạ, khó khăn không thể khiến cho con người ta nhụt chí. Gặp năm biển “đói”, người ta sẵn sàng bán tất cả, vay mượn, thế chấp ngân hàng, thậm chí vay nóng để đầu tư cho những chuyến ra khơi mới. Cái khí chất của người miền Trung bộc trực, ăn sóng nói gió, quen với sự vật lộn hàng tháng trời trên biển, chỉ khi nằm dài ngày trên bến mới khiến người ta buồn. Người làng biển tin rằng tất cả nhờ vào sự ban phát hào phóng của biển nên người ta luôn tin và thờ phụng vào sự sắp đặt của biển (Ông Nam Hải). Người ta gọi những người làm thuê, làm mướn trên tàu là “Bạn” và ứng xử theo đúng nghĩa của nó. Thu nhập sau mỗi chuyến đi biển được chia làm hai phần, một phần của chủ tàu, phần còn lại chia đều cho bạn. Luật tục đó được hình thành từ bao đời nay và nó vẫn tồn tại trong thời buổi kinh tế thị trường như một lẽ thường tình. Chính vì vậy, tết đến khi mọi người đoàn tụ với gia đình thì hàng trăm ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ lại cưỡi sóng bám biển xa. Họ sẽ đón giao thừa trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Một lão ngư với bốn mươi năm đi biển cho biết: cuối năm, gió mùa đông bắc trên biển rất săn, biển động đấy nhưng lại hứa hẹn những mẻ lưới đầy. Ngư dân nào cũng hy vọng gặp luồng cá lớn. Chuyến biển cuối tháng Chạp đến đầu tháng Giêng thường trúng lớn. Nhiều người không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần đón giao thừa trên biển. Một tài công có thâm niên hàng chục năm chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương cho biết: đầu mùa luồng cá tập trung ở vùng biển nam Hoàng Sa, sau đó chúng dịch chuyển dần về Song Tử Tây (Trường Sa). Đánh bắt cá ở Song Tử Tây có âu tàu, sóng to dễ tránh, gặp dịp thì ăn tết chung với bộ đội. Những cái tết với bộ đội Hải quân trên đảo đều là những kỷ niệm khó quên, nồng ấm tình người…

Sẵn sàng cho chuyến ra khơi.
Sẵn sàng cho chuyến ra khơi.

Lễ hội Cầu Ngư (hay còn gọi là Lễ hội Cá Ông) là nét đẹp văn hóa của ngư dân các làng chài ven biển Nam Trung bộ. Lễ hội tái hiện lại một cách sinh động phong tục truyền thống thờ cúng Cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét văn hóa dân gian. Làng biển với tường gạch xưa vôi cũ trăm năm lại hối hả cho lễ xuất hành mở biển đầu năm. Đây cũng là dịp ngư dân thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với biển khơi, với đất trời đã giúp cho họ được bình yên trong những chuyến ra khơi trong năm cũ, cũng như cầu cho mưa thuận gió hòa và cá tôm được đầy khoang trong năm mới. Những con tàu nằm no trên bến sau một chuyến tết biển dài ngày cho lòng mình ấm lại. Nhiều ngư dân sau chuyến đi lộng đầu tiên trở về với nụ cười tươi rói trong nắng. Những bàn tay còn ướt nước biển, dính đầy vẩy cá vẫn cùng mọi người hối hả gỡ cá, bán cho tư thương với niềm vui ngập tràn. Khắp cả bãi cát dài mênh mông, hàng trăm ngư dân nói cười vui vẻ chung tay gỡ lưới. Trên cảng cá, hàng trăm chiếc thuyền đang nô nức tiếp xăng, dầu, chuẩn bị neo, lưới, chuẩn bị cho chuyến ra khơi…

Câu Bá Trạo ngày xuân nhặt khoan trên sóng nước mênh mang, vồng ngực săn và gương mặt rám trải của những chàng trai, nét eo thon tươi giòn của thiếu nữ làm tăng thêm sắc xuân làng biển. Khát vọng ngàn năm của người miền biển luôn vươn về phía khơi xa. Không gian làng biển dường như sống động đến lạ kỳ, trên bến dưới thuyền tấp nập. Nước vẫn cứ xanh mơ mặc cho thế sự xoay vần, để cho mây lơ đãng nhuộm thắm chiều đàng hạ, và thuyền nhẹ tênh gối đầu trên bến cá… Đi dọc con đường ra mép nước, thầm đọc câu thơ thay cho mong ước đầu năm: Lý kéo chài ơi dìu dặt nhặt khoan/ Em chải tóc hong nắng chiều lộng gió/ Đi suốt ngàn khơi mà lời thương chưa ngỏ/ Anh tìm về trong hương tóc em bay…

Xuân Tình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sôi nổi Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024
Chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), nhằm tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thích môn bóng đá mini, từ ngày 13 đến 15/6, Báo Đắk Lắk đã tổ chức Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024.