Multimedia Đọc Báo in

Hạn chế tai nạn thương tích trẻ em: Cần sự cộng đồng trách nhiệm

08:49, 25/04/2014

Đuối nước, tai nạn giao thông, bom mìn, bỏng, điện giật, súc vật cắn, ngộ độc thức ăn… là những tai nạn thương tích thường xảy ra với trẻ em. Để phòng, tránh, rất cần sự cộng đồng trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục cũng như xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ.

Những sự việc đau lòng

Trong số những tai nạn thương tích trẻ em thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với số lượng trẻ tử vong cao nhất. Tại các địa phương có nhiều sông, suối, ao, hồ, trẻ em thường tìm đến bơi lội, đùa nghịch. Các em thường đi bơi theo nhóm, không có sự quản lý, giám sát của người lớn, khi gặp nạn lại không biết cách cứu nhau nên hậu quả nặng nề hơn. Tình trạng này cũng xuất phát từ việc thiếu các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ nên các em thường hiếu động, tự tìm kiếm nhiều trò chơi mà không lường trước được nguy hiểm. Chẳng hạn như sự việc đau lòng xảy ra tại huyện Buôn Đôn năm 2013. Sáng 14-5-2013, sau khi đến trường nghe giáo viên dặn dò về chuẩn bị cho ngày bế giảng năm học, khoảng 20 học sinh lớp 6 Trường THCS Hồ Tùng Mậu, xã Ea Wer rủ nhau xuống hồ thủy điện Sêrêpôk 4 gần đó tắm. Gặp chỗ nước sâu, một số em không biết bơi đã bị chìm, dù được người dân xung quanh tích cực cứu vớt nhưng 4 em đã tử vong.

Hay mới đây nhất là vụ tai nạn được phát hiện vào ngày 13-3-2014 tại huyện Krông Bông. Trước đó 2 ngày, 5 em học sinh người dân tộc Mông từ lớp 7 đến lớp 12 ở xã Cư Đrăm và Cư Pui rủ nhau ra sông Krông Bông tắm. Như thường lệ, tắm xong, các em chui vào hầm cát bên sông chơi đùa, bất ngờ hầm cát bị sập vùi lấp cả 5 em. Cái chết của các em đã gây chấn động dư luận và là nỗi đau tột cùng đối với gia đình, người thân và bè bạn.

Trẻ em rất dễ bị đuối nước khi tắm ở các ao, hồ, sông, suối                              mà không có sự giám sát của người lớn.                                Ảnh: Hoàng Gia
Trẻ em rất dễ bị đuối nước khi tắm ở các ao, hồ, sông, suối mà không có sự giám sát của người lớn. Ảnh: Hoàng Gia

Bên cạnh những yếu tố khách quan thì cũng có nhiều tai nạn thương tích trẻ em mà nguyên nhân gây ra lại do chính sự bất cẩn hoặc hành động nông nổi của người lớn. Đến nay, dù đã hơn 3 tháng trôi qua, nhưng ông Phan Hùng Vương ở tổ dân phố 6 (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) vẫn chưa hết nguôi ngoai trước sự việc đau lòng xảy ra với chính con, cháu mình. Do có mâu thuẫn, xích mích với gia đình và gặp nhiều chuyện buồn phiền trong cuộc sống, sau bữa cơm tất niên chiều 30 Tết, chị Phan Thị Lệ Cẩm (sinh năm 1986) – con gái ông Vương đã đưa 2 con của mình là Nguyễn Thị Thùy Trâm (sinh năm 2007) và Phạm Văn Hiếu (sinh năm 2012) về nhà, khóa trái cửa lại, đổ dầu diesel lên người và châm lửa đốt. Thấy ngọn lửa bốc cháy dữ dội, 2 cháu Trâm và Hiếu đã chạy đến ôm mẹ kêu khóc, lúc này người nhà mới biết liền phá cửa đưa 3 mẹ con đi cấp cứu nhưng chị Cẩm đã tử vong, hai cháu nhỏ bị bỏng nặng. Sau gần 2 tháng điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh), đến nay, sức khỏe của 2 cháu đã ổn định, các vết bỏng đã khô nhưng để lại rất nhiều sẹo ở vùng mặt, ngực, hai bàn tay, hai bàn chân. “Con gái tôi đã phải trả giá cho hành động nông nổi, bồng bột của mình, nhưng đáng thương nhất vẫn là 2 đứa cháu, chúng bỗng trở thành trẻ mồ côi và phải gánh chịu di chứng nặng nề đến suốt đời”, ông Vương xót xa.

Cần sự cộng đồng trách nhiệm

Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 862 trường hợp trẻ em và trẻ vị thành niên bị tai nạn thương tích (tăng 3 trường hợp so với năm 2012), trong đó có 69 trẻ em tử vong. Điều đáng nói là có đến 46 em bị tử vong do đuối nước (tăng 4 em so với năm 2012). Và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã có 9 trẻ em và trẻ vị thành niên tử vong do đuối nước. Đây mới chỉ là con số của 3 huyện Lak, Cư Kuin, Krông Bông báo cáo về Sở. 

Chị Từ Thị Khanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐTBXH) cho biết, thời gian qua, ngành LĐTBXH đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, song trên thực tế, số trẻ em bị tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích vẫn còn nhiều, đặc biệt là tử vong do đuối nước. Nguyên do là vì hiện nay, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí. Với địa bàn rộng, có nhiều ao, hồ, sông, suối như tỉnh ta nhưng lại chưa được quan tâm đầu tư xây dựng, lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm. Công tác truyền thông tuy đã được triển khai song hiệu quả chưa cao do mức độ, tần suất tuyên truyền còn ít. Đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở thôn, buôn, tổ dân phố đã được bổ sung theo Nghị quyết 105/2013/NQ-HĐND ngày 20-12-2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh gồm 2.470 người, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền,tham vấn, tư vấn, hỗ trợ trẻ em nên chưa thể phát huy hết hiệu quả. Không những vậy, ở nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương hầu như bỏ ngỏ hoặc phó mặc công tác trẻ em cho ngành LĐTBXH. Thêm vào đó, nhiều gia đình chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà ít quan tâm, chăm sóc, dạy bảo con em mình, thậm chí “khoán trắng” cho nhà trường. Và đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là các em.

Để giảm thiểu tai nạn và tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ, biện pháp quyết liệt nhất chính là sự vào cuộc của toàn xã hội mà quan trọng nhất là các bậc cha, mẹ hãy giành sự quan tâm, yêu thương và có trách nhiệm dạy cho trẻ cách nhận biết các nguy cơ gây tai nạn cho mình. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về trẻ em, xây dựng ở xã, phường phù hợp với trẻ em. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường sự phối hợp trong triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc