Liệt sĩ - Anh hùng Vũ Quang Chương trong ký ức người ở lại
“Thấm thoắt đã hơn 15 năm, kể từ ngày anh ấy hy sinh, song trong ký ức của những người thân gia đình, dường như hình bóng anh ấy vẫn luôn hiện hữu trong tất cả mọi sinh hoạt, từ những vật dụng anh đã để lại, như chiếc đồng hồ, những lá thư, hay là chính trên mảnh đất do một tay anh khai phá mà chúng tôi đang sinh sống…”, chị Vũ Thị Hồng, em gái Liệt sĩ Vũ Quang Chương (xã Ea Kly, huyện Krông Pak) bắt đầu câu chuyện, khi chúng tôi về thăm gia đình nhân dịp Liệt sĩ được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Vũ Quang Dương và bà Nguyễn Thị Tám (bố mẹ của Liệt sĩ Vũ Quang Chương) lần giở quá khứ, những kỷ niệm không thể quên về người con yêu dấu qua những câu chuyện kể. “Chương sinh năm 1968, là anh cả trong gia đình 4 anh chị em, là người rất thông minh, lanh lợi, chúng tôi đặt tất cả kỳ vọng vào Chương. Ấy vậy mà Chương đã mãi mãi ra đi ở tuổi 30, với bao dự định còn dang dở…” - giọng ông Vũ Quang Dương trầm xuống, nghẹn lại khi vừa kể, vừa nâng niu những lá thư Liệt sĩ gửi về khi đang công tác ở Nhà giàn cho chúng tôi xem. “Anh có gọi điện về đơn vị nhờ đơn vị gửi cho em 1.500.000 đồng… anh luôn mong cho em mạnh khỏe, học hành tiến bộ..”- đó là một trong những bức thư cuối cùng anh Chương viết, gửi tiền chu cấp sinh hoạt và nhắn nhủ cô em gái út Vũ Thị Hồng chuyên tâm học tập. “Hiếm có đứa con nào hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương em út, chăm lo mọi việc chu đáo trong gia đình như Chương. Nếu Chương không biết tính toán, lo cha mẹ vất vả, nhọc nhằn thì có lẽ giờ này chúng tôi đang còn ở Thái Bình”, bà Nguyễn Thị Tám tâm sự.
Liệt sĩ Vũ Quang Chương và bố Vũ Quang Dương trong một lần về phép. |
Ngày ấy (năm 1990), sau khi học xong Trường Sĩ quan lục quân, Vũ Quang Chương vào công tác ở Cam Ranh. Lúc bấy giờ đường sá đi lại khó khăn, xa xôi, anh không có điều kiện về thăm nhà thường xuyên, thương cha mẹ phải lặn lội vượt hàng ngàn cây số từ Thái Bình vào Cam Ranh thăm con, anh đã tính toán, dành dụm được vài chỉ vàng, mua đất ở Krông Pak để đưa gia đình vào lập nghiệp. “Nó bảo vùng đất Krông Pak người quê mình đi kinh tế mới vào đó cũng đông, có nhiều người quen biết, vả lại vùng đất Tây Nguyên lại trù phú, dễ sinh sống…”. Ông Vũ Quang Dương nhớ lại. Và thời gian ấy, tranh thủ nhà gần, cứ cuối tuần được nghỉ là Chương lại về, lao vào công việc ban đất, san lấp mặt bằng làm nhà, rồi lại đào hố trồng cà phê, đào ao thả cá, không có một khoảng thời gian dành riêng cho mình… “Tôi thấy nó quá lo cho gia đình nên giục nó lấy vợ thì nó đánh trống lảng, cười bảo: “Để con lo cho bố mẹ và các em đã. Còn chuyện vợ con, bố cứ yên tâm, thể nào con cũng lấy vợ để bố mẹ có cháu nội bồng bế…” ông Vũ Quang Chương bùi ngùi.
Bố, mẹ và em gái Liệt sĩ Vũ Quang Chương ôn lại những kỷ niệm về Liệt sĩ qua những lá thư.. |
Còn đối với bà Nguyễn Thị Tám, mẹ của Anh hùng Lực lượng vũ trang Vũ Quang Chương - vốn là xạ thủ số 1 của khẩu đội súng máy 12 ly 7, từng tham gia lực lượng dân quân, du kích bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Thái Bình trong trận đánh ngày 5 và 17-11-1965 thì những ký ức về đứa con anh hùng vẫn còn vẹn nguyên. “Tôi sinh Chương ra khi ông ấy đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Dù tuổi thơ không biết mặt bố, song dường như lúc nào Chương cũng tự hào có bố là bộ đội. Lúc 5-6 tuổi, cháu thường ngồi hát nghêu ngao “Viết thư này con gửi thăm bố nghe chiến thắng 2 miền, mẹ cùng con sướng vui, sớm mai chăm học con ngồi viết thư, chữ chưa thẳng hàng, bố đừng cười con nhé. Bố cứ đi đánh Mỹ, con hứa chăm học, bố con sẽ gặp nhau…”. Cũng có hôm nó chạy từ đầu ngõ về khoe “Mẹ ơi, hôm nay con gặp nhiều bố lắm”. Hỏi rõ ra thì mới hay có một đơn vị hành quân qua làng, Chương nghe mọi người bảo đó là các chú bộ đội thì chạy ra gọi: “Bố ơi!”. Đến lúc lớn lên, nó cương quyết, một mực đòi theo nghiệp lính của bố” … bà Nguyễn Thị Tám ngậm ngùi kể, tay với lấy bó nhang, thắp lên trước bàn thờ có di ảnh Liệt sĩ Vũ Quang Chương cùng nhánh san hô, mà bà coi đó như xương cốt của người con yêu dấu đã hy sinh song không tìm thấy thi thể được…
Còn đối với em út Vũ Thị Hồng thì hình ảnh người anh cả luôn hiện hữu, theo chị suốt cuộc đời. Là em út trong gia đình, nên chị được Vũ Quang Chương yêu thương nhất. “Lúc tôi còn nhỏ khi nào về phép anh ấy cũng có quà cho em. Đến lúc lớn lên, bước chân vào trường cao đẳng, anh ấy cũng luôn luôn dõi bước, động viên, căn dặn tôi từ những việc nhỏ nhất, như quan hệ với bạn bè hay như phải chăm chỉ học hành, thảo kính với cha mẹ…” chị bồi hồi nhớ lại. Với chị, dường như sự ra đi của anh chỉ như là một chuyến công tác xa, để lại trong tâm trí chị và những người thân ở lại nỗi khắc khoải, nhớ thương không nguôi như bài thơ chị viết trải lòng, gửi hương hồn người anh thân yêu “Anh đi công tác xa/ mãi chẳng về thăm nhà/ em cứ đợi chờ anh trong hy vọng…/và em tin, tin rằng anh còn sống/ sống trong em một sức sống tràn trề”.
Liệt sĩ, Đại úy Vũ Quang Chương sinh năm 1968, quê gốc ở thôn Tri Chỉ, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Anh hy sinh ngày 14-12-1998, trên cương vị là chỉ huy trưởng Nhà giàn 2A/DK1/Phúc Nguyên. Thời điểm đó, khi cơn bão Faith quét qua anh đã dũng cảm, bình tĩnh chỉ huy mọi người rời khỏi Nhà giàn an toàn. Còn anh thì ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng, thanh thản hòa mình vào lòng biển mẹ quê hương, khi Nhà giàn đổ ập. Tròn 15 năm sau ngày anh hy sinh, ngày 13-12-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Đại úy liệt sĩ Vũ Quang Chương. Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang cho đại úy liệt sĩ Vũ Quang Chương vừa được Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức ngày 14-3-2014 vừa qua.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc