Multimedia Đọc Báo in

Sôi nổi phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo

08:13, 24/12/2016

Thời gian qua, phong trào thi đua lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự xã hội và tham gia các hoạt động từ thiện bác ái đã lan tỏa mạnh mẽ  trong đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh.

Thi đua xây dựng quê hương

Linh mục Trần Mạnh Cường, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) tỉnh cho biết, đồng bào Công giáo tỉnh hiện có trên 262.800 giáo dân (chiếm khoảng 14% dân số). Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, những năm qua, Ủy ban ĐKCG tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo trong tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” tạo phong trào thi đua sôi nổi trên các lĩnh vực, giữa các giáo xứ, họ đạo.

Nữ tu  Dòng Phaolô  dạy hướng nghiệp nghề may  cho trẻ khuyết tật tại Trường  Khuyết tật  Vi Nhân.
Nữ tu Dòng Phaolô dạy hướng nghiệp nghề may cho trẻ khuyết tật tại Trường Khuyết tật Vi Nhân.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, nhiều giáo dân đã trở thành những doanh nghiệp, hộ làm kinh tế giỏi, làm giàu cho gia đình và xã hội. Chẳng hạn như, ông Phan Ngọc Liệu ở Giáo xứ Quỳnh Ngọc (huyện Krông Ana) phát triển kinh tế trang trại gồm 7 ha cao su, 5 ha cà phê và 4.000 trụ tiêu, mỗi năm thu nhập trên 3 tỷ đồng; ông Nguyễn Tiến Dũng ở Giáo xứ Vinh Đức (thị xã Buôn Hồ) canh tác 3 ha cà phê, 6.000 trụ tiêu, thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm; ông Hoàng Mạnh Cường ở Giáo xứ Thánh Linh (TP. Buôn Ma Thuột) nuôi động vật hoang dã, xây dựng thương hiệu “Cà phê chồn” với thu nhập hằng năm trên 650 triệu đồng…

Giáo dân Giáo xứ Nam Thiên (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) không chỉ phát triển mô hình trồng cà phê, tiêu xen sầu riêng, bơ mà còn thành công với hàng chục cơ sở cơ khí chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo nên thương hiệu “Làng cối Hòa Thuận”. Các giáo dân Giáo xứ Châu Sơn (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) đã phát triển nghề nuôi hươu, nai, tạo dựng thương hiệu “Nhung nai Châu Sơn – Cư Êbur”…

Không chỉ thi đua phát triển kinh tế, giáo dân ở các giáo xứ, họ đạo còn đóng góp tích cực vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn vệ sinh môi trường. Giáo xứ Kim Phát (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) đã xây dựng mô hình điểm “3 an toàn về an ninh trật tự” trong vùng tôn giáo, đến nay thành lập được 26 tổ tự quản với gần 500 hộ dân ký cam kết thực hiện quy chế hoạt động của tổ, góp phần bảo đảm an toàn về địa bàn hoạt động tôn giáo, an toàn về con người và tài sản. Nhiều linh mục, giáo dân ở các giáo xứ, họ đạo đã đóng góp tiền, ngày công dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, xây dựng hệ thống nước sạch, xây dựng, phục hồi bến nước, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp tại các khu dân cư.

Góp sức vì an sinh xã hội

Với tấm lòng từ thiện bác ái, đồng bào Công giáo trong tỉnh còn cho vay vốn, hỗ trợ cây, con giống, đóng góp nguồn lực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật. Từ năm 2005 đến nay, bà con giáo dân đã đóng góp được trên 27 tỷ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội. Nhờ đó, đã có 466 căn nhà được hỗ trợ xây mới, sửa chữa; 260 con bò sinh sản, 170 chiếc xe đạp và hàng nghìn suất học bổng được trao tặng cho hộ nghèo, học sinh nghèo hiếu học; gần 3 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”…

 
Những năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”. Những đóng góp của đồng bào Công giáo trên các lĩnh vực đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
 
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh

Gia đình chị H’Bun Ksơr là hộ nghèo ở buôn M’duk (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), nhà cửa tạm bợ, hai vợ chồng đi làm thuê sinh sống qua ngày. Năm 2016, Ủy ban ĐKCG tỉnh hỗ trợ 55 triệu đồng, gia đình, dòng họ giúp công và cho mượn thêm tiền xây dựng căn Nhà tình thương rộng 56 m2, giúp gia đình chị có nơi ở ổn định.

Trong phong trào từ thiện bác ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp đã xuất hiện. Đơn cử như: Dòng Bác Ái Vinh Sơn thành lập Lớp tình thương Vinh Sơn, hằng năm dạy học, chăm sóc miễn phí cho khoảng 150 trẻ em lang thang, hoàn cảnh khó khăn. Trường Khuyết tật Vi Nhân của Dòng Phaolô đã chăm sóc, dạy chữ, dạy nghề cho hàng trăm trẻ em khuyết tật, mồ côi. Dòng Nữ vương Hòa Bình thành lập Gia đình Bình Minh, mỗi năm chăm sóc khoảng 70 em bị thiểu năng trí tuệ… Nhiều nữ tu, bà con giáo dân đã gắn bó, giúp đỡ bệnh nhân phong, HIV/AIDS; tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc cho người nghèo, neo đơn, tàn tật; thăm, tặng quà gia đình khó khăn; tham gia hiến máu nhân đạo…

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.