Multimedia Đọc Báo in

Nâng niu những "búp trên cành"

18:20, 10/06/2017

Trong chuyến công tác ở một xã vùng 3 của huyện Krông Pắc, tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh của một cô bé dân tộc Xê Đăng trong bộ áo quần mỏng manh, lấm lem bùn đất địu trên lưng em bé chưa đầy tháng tuổi.

Qua trò chuyện mới biết, cô bé mới 6 tuổi, nhưng đã có 4 đứa em, đứa bé mà em đang địu trên lưng kia là em út vừa mới sinh chưa tròn tháng. Vì mẹ đi làm đồng nên em là người phải thay mẹ trông coi các em. Khi được hỏi: “Em bé còn nhỏ thế, sao con trông được, không sợ em bị ngã sao?”, cô bé hồn nhiên trả lời “con quen rồi cô”! Tôi thấy cay cay nơi sống mũi, cổ họng như nghẹn lại. Đáng lẽ ở tuổi của em phải được học hành, vui chơi nhưng vai em lại gánh thay phần trách nhiệm, công việc của người lớn. Không chỉ riêng em, ở đây nhiều em lớn lên mà gần như không biết tuổi thơ là gì khi vừa chập chững tập đi thì mẹ lại có thêm em bé. Cặp vợ chồng nào ở độ tuổi sinh đẻ ở nơi đây ít nhất cũng 2- 3 đứa con, còn bình thường thì cũng 4-5 đứa.

Cuộc sống vùng 3 vốn đã nhiều khó khăn, càng trở nên vất vả, thiếu thốn bởi cái vòng luẩn quẩn đông con - đói nghèo. Trong khi phần lớn trẻ em ở thành phố, thị xã, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển được hưởng thụ một cuộc sống đủ đầy thì ở những địa bàn khó khăn như nơi đây vẫn còn không ít những em chịu thiệt thòi, sống trong điều kiện thiếu thốn cả về vật chất lẫn sự chăm sóc về mặt tinh thần. Vì quan niệm lạc hậu về kế hoạch hóa gia đình “trời sinh voi, trời sinh cỏ”; chưa chịu tiếp cận với phương pháp kế hoạch hóa gia đình hiện đại; nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế; trường lớp nhà trẻ mầm non còn thiếu...? Có lẽ là do tất cả.

Và hình ảnh cô bé ấy cứ làm tôi day dứt mãi về một tương lai cho những đứa trẻ nơi đây, liệu có tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn như cha mẹ của chúng. Dù có là lý do gì đi chăng nữa thì sự thiệt thòi ấy các em không đáng phải gánh chịu. Và hơn ai hết, các em cần sự quan tâm từ gia đình cũng như chính quyền, cộng đồng, xã hội để có thể trưởng thành trong môi trường chăm sóc, giáo dục bảo đảm phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ lẫn tinh thần.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc