Multimedia Đọc Báo in

"Bảo mẫu" của thú nuôi bị bỏ rơi

06:46, 02/06/2019

Bằng tình yêu thương động vật, các thành viên nhóm "Cứu trợ động vật cộng đồng Tây Nguyên" đã trở thành “bảo mẫu” cưu mang, chăm sóc những chú chó, mèo bệnh tật, bị bỏ rơi…

Người lập nên nhóm cứu trợ là anh Nguyễn Hoàng Nguyên (SN 1992, quê Gia Lai). Anh Nguyên vốn rất thích nuôi thú cưng đến nỗi dang dở cả việc học. Khi đang là sinh viên năm thứ hai đại học ngành Mỹ thuật tại TP. Hồ Chí Minh, anh lỡ dùng tiền đóng học phí để mua chú chó dòng Husky có giá hơn 20 triệu đồng. Anh cố gắng đi làm thêm nộp lại tiền học, nhưng chỉ đủ mua thức ăn cho cún. Riết rồi anh bỏ học luôn, khi gia đình biết chuyện thì đã muộn. Anh đưa cún cưng về quê nuôi, nhưng được hơn 1 năm thì cún đổ bệnh chết.

Điều anh Nguyên canh cánh nhất là không biết cún mắc bệnh gì nên quyết lên Đắk Lắk học trung cấp thú y rồi xin vào làm không lương cho một phòng khám thú y. Thời gian rảnh, anh dạo quanh các khu vực bãi rác, cầu cống… tìm những chú chó, mèo bị bỏ rơi đưa về chăm sóc, chữa lành bệnh rồi tặng lại cho ai muốn nuôi. Anh ấp ủ mở trung tâm cứu hộ song kinh phí, nhân lực có hạn nên mãi đến tháng 8-2018 mới thực hiện được. Căn nhà số 19, đường Tuệ Tĩnh (TP. Buôn Ma Thuột) rộng rãi thoáng mát (địa chỉ của nhóm) là của một người rất yêu động vật. Ông nuôi hơn 30 chú mèo được thả tự nhiên trong vườn. Mới đây, ông ra nước ngoài sinh sống nên để ngôi nhà này cho nhóm làm nơi cứu trợ động vật.

Anh Nguyên (bên trái) và thành viên trong nhóm chăm sóc một chú mèo.
Anh Nguyên (bên trái) và thành viên trong nhóm chăm sóc một chú mèo.
 
"Nhóm sẵn sàng đón nhận những chú cún, mèo có chủ hoặc không có chủ. Những ai muốn nhận nuôi cứ đến trung tâm, nhóm sẽ tặng lại, khi nào không muốn nuôi nữa thì đưa lại cho nhóm chứ đừng vứt bỏ chúng tội nghiệp".
 
 Anh Nguyễn Hoàng Nguyên - Trưởng nhóm Cứu hộ động vật cộng đồng Tây Nguyên 

Thời gian đầu một mình anh Nguyên làm là chủ yếu, về sau có thêm các bạn sinh viên phụ giúp thêm. Đến nay, nhóm đã quy tụ hơn 15 thành viên, sẵn sàng nhận nhiệm vụ cứu hộ động vật khi có yêu cầu. Bạn Lê Thị Mỹ Trâm (sinh viên năm 4, khoa Chăn nuôi thú y, Trường Đại học Tây Nguyên - thành viên gắn bó từ ngày lập nhóm) chia sẻ, sau giờ đến trường, Trâm lại đến trung tâm cứu hộ chăm sóc, điều trị bệnh cho các chú chó, mèo. Làm riết thành quen, tiếp xúc với vật nuôi ngày này qua tháng nọ, Trâm cũng không ngại mùi. Nhờ tiếp xúc thực tế với công việc, Trâm có thêm kinh nghiệm chăm sóc động vật.

Hoạt động chính của nhóm “Cứu hộ động vật cộng đồng Tây Nguyên” là cứu - chăm sóc, điều trị động vật đến khi tinh thần, thể chất ổn định sẽ tìm chủ mới phù hợp cho chúng. Với nguồn nhân lực, vật lực hiện tại, nhóm chỉ mới hướng đến hai đối tượng chính là chó và mèo. Về lâu dài, nhóm sẽ giải cứu thêm các loại động vật khác, đồng thời mở rộng địa bàn ra khắp Tây Nguyên. Nhóm ưu tiên chất lượng hơn số lượng, tránh trường hợp ôm việc nhiều dẫn đến quá tải, phát sinh tiêu cực.

Thành viên nhóm truyền dịch cho chú cún cưng.
Thành viên nhóm truyền dịch cho chú cún cưng.

Kể về những lần cứu hộ động vật, anh Nguyên nhớ nhất là nàng cún tên Sen: “Hôm ấy tầm 9 giờ tối, mình đi ngang đường Y Ngông thì nghe tiếng kêu nhỏ phát ra từ thùng giấy. Mình mở thùng ra thì thấy cún con có bộ lông xoăn vàng, mặc trên người bộ áo rất đẹp bèn mang về khám mới biết cún bị viêm da, viêm trực tràng. Chữa trị thời gian dài cún mới hết bệnh”. Cứu chữa đã khó, tìm chủ mới cho động vật càng khó khăn hơn. Anh từng hối hận vì tìm nhầm chủ cho chú chó Alaska. Khi xin về nuôi họ cam kết không bán và thường xuyên cập nhật tình hình của cún cho anh, nhưng được một thời gian lại rao bán.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.