Multimedia Đọc Báo in

Báo chí và cuộc đua thông tin với mạng xã hội

15:32, 23/06/2021

Trong suốt nhiều thế kỷ, báo chí được coi là những nguồn thông tin nhanh và tin cậy nhất. Tuy nhiên, từ khi mạng xã hội ra đời và phát triển bùng nổ trong hơn một thập kỷ trở lại đây, trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, báo chí đã chịu những tác động mạnh mẽ.

Sự xuất hiện của các trang mạng xã hội, điển hình là Facebook, YouTube, Twitter, Instagram… đã thay đổi chiều hướng phương thức truyền - nhận thông tin, từ mô hình truyền thông một nguồn - nhiều người nhận đến mô hình mạng lưới nhiều nguồn - nhiều người nhận.

Độc giả giờ đây không còn chỉ tiếp nhận thông tin, mà chính họ đang đảm nhiệm những vai trò mới: trở thành những “người đưa tin” bằng cách tự viết tin, hoặc chia sẻ với bạn bè về những xu hướng tin tức trên mạng xã hội. Với sự tiện ích của các thiết bị thông minh, ai cũng đều có thể sản xuất tin tức và truyền tải trên mạng xã hội. Đây cũng là thách thức lớn đối với những người làm báo chính thống.

Phóng viên tác nghiệp về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Phóng viên tác nghiệp về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Không thể phủ nhận, từ mạng xã hội, nhiều tin tức được truyền tải nhanh chóng, người dùng có thể thoải mái chia sẻ suy nghĩ, ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng, vì không có sự kiểm soát thông tin, kiểm định chất lượng nên thông tin không chính xác, nhầm lẫn, thất thiệt, thậm chí thông tin giả mạo, cố tình làm sai lệch với mục đích thao túng thông tin một chiều, phản diện trên mạng xã hội.

Có một thực tế hiện nay là một số nhà báo đang “hành nghề” theo lối viết lại những gì thấy trên mạng xã hội, thay vì phải thâm nhập thực tế để phát hiện, kiểm chứng, phân tích qua đó phản ánh đúng đắn, trung thực, chính xác về sự kiện. Đã có không ít trường hợp, phóng viên chỉ cắt dán dòng trạng thái của người nổi tiếng hoặc thậm chí sử dụng cả những nguồn tin không tin cậy, rồi “vẽ vời”, “phù phép” thành bài báo với những thông tin sai sự thật. Hậu quả tiêu cực từ việc khai thác thông tin thiếu kiểm soát từ mạng xã hội đang trở thành “vấn nạn” của báo chí Việt Nam. Để chạy đua với mạng xã hội, việc kiểm chứng thông tin trên báo chí dường như không được kỹ càng như trước. Do bị áp lực về sự nhanh nhạy được tính theo từng giây, bị cuốn theo thông tin trên mạng xã hội, một số tòa soạn cũng như người cầm bút đang áp dụng cách làm nguy hiểm là “đăng trước, sửa sau”. Điều này rất nguy hại, đã phần nào làm xói mòn những giá trị báo chí truyền thống.

Chỉ thị 43- CT/TW của Ban Bí thư ban hành ngày 8-4-2020 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” đã nêu rõ: “Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, gây ra nhiều tác hại”. Rõ ràng, những thách thức từ truyền thông xã hội đang buộc mỗi người làm báo và các cơ quan báo chí phải có những sự thay đổi phù hợp cả về nội dung, cũng như hình thức thông tin để tạo ra những sức mạnh mới trong cuộc đua thông tin với mạng xã hội.

Nhiều cơ quan báo chí đã tận dụng ưu thế, tính năng “bình luận”, “chia sẻ” và lan truyền của của mạng xã hội bằng việc lập các Fanpage để vừa chuyển tải các bài viết trên báo chí theo cách tiếp cận mới, phù hợp với nhu cầu, vừa tiếp nhận phản hồi của độc giả về nội dung bài viết một cách nhanh chóng. Đồng thời chuyển dần sang mô hình truyền thông đa phương tiện, thực hiện nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng.

Dẫu thế nào bạn đọc vẫn luôn cần tới những tác phẩm báo chí có chất lượng, chứ không phải những bài báo chỉ để thỏa mãn sự tò mò, giật gân, câu khách và báo chí vẫn luôn là nơi để độc giả xác minh tính chính xác của thông tin. Do vậy, trong cuộc chạy đua thông tin với mạng xã hội, báo chí cần giữ vững thế mạnh của mình đó là nội dung chất lượng và sự chuyên nghiệp. Sự kết hợp giữa độ nhanh nhạy của thông tin cùng khả năng phân tích, kiểm chứng sẽ mang đến những tác phẩm báo chí hoàn thiện, sâu sắc, chính xác, khách quan hơn những thông tin trên mạng xã hội – đây cũng là cách thức bền vững, thể hiện rõ vai trò “người chép sử thời đại” để giúp cho báo chí phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Lan Anh