Công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh ủy, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, kết quả phát hiện, khám phá các vụ án tham nhũng, xử lý tin báo tố giác tội phạm tham nhũng giải quyết còn chậm, chưa kịp thời. Một số vụ án tham nhũng giải quyết còn kéo dài, vẫn còn một số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung… Sự phối hợp, kết hợp của một số cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình điều tra một số vụ tham nhũng chưa thật chặt chẽ, thiếu thống nhất. Một số cơ quan chưa thực hiện hết nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự. Công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra tuy có triển khai nhưng hiệu quả thấp, còn mang tính hình thức.
Phân tích nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, theo Ban Nội chính Tỉnh ủy thì tình hình tham nhũng vẫn tiềm ẩn phức tạp, diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành với nhiều hình thức tinh vi, có tổ chức nên rất khó khăn cho công tác phát hiện và xử lý. Các đối tượng có chức vụ, quyền hạn thường lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội, quản lý tài chính, ngân sách, tài sản của cơ quan, đơn vị, địa phương… để thực hiện hành vi tham nhũng. Trong các vụ án tham nhũng, đa số đối tượng phạm tội là những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước, có nhiều thủ đoạn để che đậy hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, các hành vi tham nhũng thường gắn với các vụ án kinh tế, quá trình điều tra phải thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ, ở nhiều nơi khác nhau, liên quan đến nhiều người; nhiều vụ án phải giám định tài sản, giám định tài liệu, chứng cứ liên quan… nên việc đánh giá chứng cứ gặp nhiều khó khăn, thời gian giải quyết kéo dài.
Trước thực tế đó, tại Hội nghị giao ban khối Nội chính do Thường trực Tỉnh ủy tổ chức mới đây, đồng chí Niê Thuật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp các ngành tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng. Trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện xử lý các hành vi tham nhũng như: Triển khai và thực hiện tốt các nghị quyết của trung ương; tiếp tục triển khai kế hoạch số 47-KH/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 137 đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, những quy định về phòng ngừa tham nhũng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, nắm bắt để tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nhằm hạn chế và đẩy lùi tệ nạn này trong thời gian tới.
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc