Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

15:59, 26/11/2016

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sau đây gọi là Luật) được Quốc hội thông qua ngày 22-9-2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2016.

Luật được ban hành với nhiều đổi mới, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ và thống nhất trong việc xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Một trong những điểm mới quan trọng của Luật đó là việc mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản QPPL.

Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm thu hút và tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL, cụ thể như sau:

1. Việc lấy ý kiến được coi là trường hợp bắt buộc trong cả giai đoạn đề nghị xây dựng chính sách và giai đoạn soạn thảo đối với luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 19, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 27. Thời hạn đăng tải để  lấy ý kiến ít nhất 30 ngày với đề nghị xây dựng chính sách và ít nhất 60 ngày với dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định; 30 ngày đối với dự thảo văn bản của HĐND. Đối với nghị định quy định chi tiết, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Quyết định của UBND cấp tỉnh… thì việc lấy ý kiến được thực hiện khi đã có dự thảo văn bản (thời hạn đăng tải ít nhất 60 ngày đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng…; 30 ngày đối với dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh).

Đoàn  đại biểu Quốc hội tỉnh lấy  ý kiến tham gia góp ý  xây dựng luật.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng luật. Ảnh: L. Anh

2. Cơ quan, tổ chức lấy ý kiến phải xác định rõ địa chỉ đăng tải, tiếp nhận ý kiến góp ý. Cụ thể, báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trình; trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình và trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (khoản 1 Điều 36); đăng tải hồ sơ xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, quyết định của UBND cấp tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh (khoản 1 Điều 113).

Ngoài việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật quy định trách nhiệm bắt buộc lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và đề nghị xây dựng nghị định. Các bộ nêu trên có trách nhiệm góp ý kiến bằng văn bản đánh giá về nguồn tài chính, nguồn nhân lực, sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh với hệ thống pháp luật và gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân lập đề nghị (khoản 2 Điều 36). Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản QPPL và dự thảo văn bản QPPL (khoản 1 Điều 6).

3. Nội dung lấy kiến phải phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và tập trung vào những chính sách lớn, quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân. Trong thời gian dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết đang được lấy ý kiến nếu cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý lại dự thảo văn bản mà khác với dự thảo đã đăng tải trước đó thì phải đăng lại dự thảo văn bản đã được chỉnh lý (khoản 1 Điều 57).

Luật đã cụ thể hóa tính dân chủ, công khai, minh bạch thành những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng và ban hành văn bản QPPL. So với quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 thì nguyên tắc công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản được quy định rõ ràng, cụ thể hơn. Đồng thời, lần đầu tiên, tính dân chủ được ghi nhận thành nguyên tắc trong xây dựng văn bản QPPL.

4. Hình thức lấy ý kiến được thể hiện dưới nhiều hình thức, đa dạng, phong phú như: đăng tải để lấy ý kiến, lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo, tọa đàm hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết (khoản 2 Điều 113).

5. Để nâng cao tính dân chủ, khách quan trong xây dựng văn bản QPPL, Luật tăng cường trách nhiệm giải trình ý kiến góp ý bằng việc bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý; đăng tải công khai báo cáo giải trình, tiếp thu trên các cổng thông tin điện tử nêu trên (khoản 1 Điều 36, khoản 3 Điều 57, khoản 3 Điều 86).

Ngoài ra, tính công khai, minh bạch trong việc xây dựng văn bản QPPL còn được thể hiện ở các quy định như: Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản QPPL phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu; văn bản QPPL phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản QPPL khác (khoản 1, khoản 2 Điều 8); văn bản QPPL có thể được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài (Điều 9)…     

Phan Hiền


Ý kiến bạn đọc