Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với chiêu trò lừa thông báo lỗi vi phạm giao thông

14:57, 30/05/2021

Vào lúc 14 giờ 46 ngày 20-5 vừa qua, chị N.T.T. (trú TP. Buôn Ma Thuột) nhận được cuộc gọi từ tổng đài thông báo chị có lỗi vi phạm giao thông, muốn biết cụ thể thì nhấn phím...

Sau khi nhấn phím, đầu dây có một người đàn ông tự xưng là "người của bộ phận kiểm tra và thông báo lỗi vi phạm toàn tỉnh, thành phố thuộc Cục Quản lý giao thông đường bộ" thông báo: Vào ngày 1-4-2021, tại đường Nguyễn Hoàng giao với đường Nguyễn Văn Linh, quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng), chiếc xe mang BKS 43Bxxx45 đã tông một người đi bộ, lái xe bỏ trốn. Qua điều tra xác minh, chiếc xe này được thuê của một nhà xe tại Đà Nẵng. Người làm hợp đồng thuê xe là chị N.T.T. Người này đề nghị chị T. đến Đà Nẵng phối hợp điều tra xác minh sự việc. Chị T. khẳng định ngày, giờ đó mình không đến Đà Nẵng, không cho ai mượn chứng minh nhân dân để thuê xe. Người này tiếp tục yêu cầu chị T. kết nối với Công an TP. Đà Nẵng để cung cấp thông tin, xác minh sự việc và gửi thông tin lại cho "Cục Quản lý giao thông đường bộ" xử lý.

 

Bên cạnh việc nhận được thông báo vi phạm gửi tới địa chỉ của chủ phương tiện (trong đăng ký xe), người dân có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử Cục CSGT (http://www.csgt.vn) để
Bên cạnh việc nhận được thông báo vi phạm gửi tới địa chỉ của chủ phương tiện, người dân có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử Cục CSGT (http://www.csgt.vn) để biết chính xác phương tiện của mình có vi phạm hay không.

 

Sau khi được nối máy, lần lượt hai người khác tự xưng là Trung úy Lê Ngọc Bình và Thiếu tá Nguyễn Hoàng Sơn, Đội chuyên án Công an TP. Đà Nẵng tiếp nhận sự việc, đề nghị chị T. kết bạn qua Zalo của Công an TP. Đà Nẵng, rồi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, địa chỉ... để lập biên bản về việc chị T. bị kẻ xấu lợi dụng gây ra hành vi vi phạm pháp luật. Các đối tượng trên còn "tung tin" rằng thông tin cá nhân của chị T. bị người khác lợi dụng để rửa tiền cho một đường dây phạm tội có tổ chức do Nguyễn Văn Long cầm đầu. Tài khoản do chị T. đứng tên tại một ngân hàng ở Đà Nẵng có số dư lên đến hàng chục tỷ đồng. Người tên Sơn nói về mức độ nghiêm trọng của vụ án, yêu cầu chị T. giữ bí mật và sẽ hết sức giúp đỡ chị lấy lại sự trong sạch. Mọi việc sẽ được bàn bạc cụ thể vào sáng hôm sau.

Chị T. cảm thấy nghi ngờ và gọi lại vào số điện thoại bàn của người tự xưng là Thiếu tá Sơn cung cấp nhưng số không có thực. Sau đó chị liên hệ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Đà Nẵng thì được xác nhận không có ai là Trung úy Lê Ngọc Bình và Thiếu tá Nguyễn Hoàng Sơn. Sáng hôm sau chị T. đến cơ quan công an trình báo sự việc và cùng nghe cuộc gọi qua zalo của đối tượng. Những người này gặng hỏi chị T. về các tài khoản ngân hàng. Sau một hồi quanh co, các đối tượng biết hành vi lừa đảo đã bị bại lộ nên tắt máy, khóa số, hủy kết bạn Zalo với chị T.

Đại úy Phạm Đình Nhân, cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Đà Nẵng khẳng định: Các đơn vị chức năng như “Bộ phận kiểm tra và thông báo lỗi vi phạm toàn tỉnh, thành phố thuộc Cục Quản lý giao thông đường bộ” và “Đội chuyên án Công an TP. Đà Nẵng” cũng như Trung úy Lê Ngọc Bình, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Sơn đều do các đối tượng bịa đặt nhằm mục đích lừa đảo.

Tình trạng mạo danh cơ quan chức năng thông báo lỗi vi phạm giao thông để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Thủ đoạn của các đối tượng tuy không mới, nhưng rất tinh vi, được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu người dân không tỉnh táo rất dễ bị lừa.

Theo quy định của pháp luật, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đều được lực lượng cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm, đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý. Các đơn vị cảnh sát giao thông không gọi điện thoại thông báo vi phạm, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền vào bất kỳ tài khoản nào.

Qua sự việc này, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác với các cuộc gọi thông báo liên quan đến “phạt nguội” hoặc thông báo lỗi giao thông; không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng cho người khác.

Ngô Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.