Multimedia Đọc Báo in

Cô giáo người Kinh hơn 10 năm dạy chữ Êđê

08:09, 06/07/2014
Quê ở Nghệ An, năm 1986 cô giáo Tần Thị Huệ vào công tác tại huyện Buôn Đôn, sinh sống tại buôn Tul A, xã Ea Wer. Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du, nơi cô Huệ dạy học chủ yếu là học sinh người dân tộc thiểu số tại chỗ, hầu hết đều chưa biết tiếng Kinh khiến việc giao tiếp giữa giáo viên và học sinh rất khó khăn, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều học sinh khó tiếp thu được bài giảng, lực học kém và không mặn mà với việc đi học.
 
Sau nhiều đêm trăn trở, cô Huệ quyết định học bằng được tiếng Êđê để phục vụ cho công tác dạy học. Cô tìm đến các gia đình người Êđê trong buôn để học nói, rồi khi sách giáo khoa chữ Êđê ban hành, cô tự tìm sách, học đọc và viết chữ Êđê. Bằng cách học như vậy, sau một thời gian cô Huệ đã có thể nói, viết thành thạo tiếng Êđê. Không chỉ học tiếng, học chữ, cô còn tìm hiểu về các phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của người Êđê.
 
Khi huyện Buôn Đôn đưa bộ môn tiếng Êđê vào giảng dạy trong nhà trường, tại Trường Tiểu học Nguyễn Du và nhiều trường khác đều thiếu giáo viên dạy bộ môn này. Với vốn kiến thức đã học được, cô Huệ mạnh dạn xin đảm nhiệm giảng dạy bộ môn này. Đến thời điểm này, cô đã có trên 10 năm dạy chữ Êđê tại Trường Tiểu học Nguyễn Du. Những ngày đầu đứng lớp dạy tiếng Êđê, cô Huệ bị không ít đồng nghiệp nghi ngờ về năng lực chuyên môn, trình độ. Cô bộc bạch: “Những người nghi ngờ tôi không phải là không có cơ sở  bởi bản thân tôi không phải là người dân tộc Êđê. Cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học, tài liệu sách tham khảo phục vụ việc dạy - học còn thiếu; hơn nữa đây là bộ môn mới, không có người đi trước để học hỏi”. Nhưng với quyết tâm của mình, cô Huệ đã không ngừng tìm tòi học hỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều lúc cô phải bỏ tiền túi của mình để mua các tài liệu phục vụ cho môn học tiếng Êđê. Sau này, cô còn được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn do Sở GD-ĐT tổ chức nên chuyên môn, nghiệp vụ càng vững vàng hơn.

Bên cạnh việc giảng dạy, với lợi thế biết được tiếng Êđê nên cô Huệ đã tham gia vận động nhiều học sinh bỏ học đi học lại; thuyết phục nhiều gia đình tạo điều kiện cho con em đi học đầy đủ. Ở trường, cô luôn cố gắng thay đổi phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú cho các em trong các buổi học. Nhờ vậy, trong những năm giảng dạy tiếng Êđê, tại các lớp do cô phụ trách chưa có trường hợp học sinh nào bỏ học. Với vốn ngôn ngữ Êđê, cô Huệ cũng rất thuận lợi trong việc giảng dạy các bộ môn khác. Đối với các em nói chưa sõi tiếng Kinh, trong các buổi học cô thường dịch sang tiếng Êđê để các em dễ nắm bắt nội dung bài học. Vì vậy, các tiết học của cô luôn tạo được sự hứng thú với học sinh, được các đồng nghiệp đánh giá cao. Thầy Lâm Văn Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du nhận xét: “Cô Huệ là giáo viên nhiệt tình, tâm huyết với nghề, có lòng yêu thương học trò. Với vốn ngôn ngữ về tiếng Êđê nên cô rất thuận lợi trong việc dạy học tại vùng có đông số lượng học sinh là con em dân tộc thiểu số tại chỗ. Nhiều năm liền, cô luôn đạt danh hiệu lao động tiên tiến”.

Không chỉ là một giáo viên giỏi, cô Huệ còn thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa – xã hội cùng bà con trong buôn nên rất được bà con quý mến. Bà con buôn Tul A và buôn Tul B, xã Ea Wer thường gọi cô với cái tên thân mật là “Amí Brajh”.

 Quốc An 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.