Multimedia Đọc Báo in

Trắc trở sự học ở Ea Rớt

08:12, 26/03/2017

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, tập tục lạc hậu, lại không có giấy tờ tùy thân nên việc đến trường của nhiều trẻ em ở thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) thật gian nan, trắc trở.

Nghỉ học vì nghèo

Có vượt hơn 20 km đường dốc núi để đến được điểm trường Ea Rớt mới thấm thía hết cuộc sống vất vả, lam lũ của những người dân cũng như các em học sinh ở đây. Do địa hình phức tạp, trời nắng đường đi đã khó, mưa xuống thì đi lại càng nguy hiểm nên có khi phải đến nửa tháng trời người dân ở thôn Ea Rớt sống biệt lập với bên ngoài. Mọi sinh hoạt đều phải tự cung tự cấp, con trẻ phải cho nghỉ ở nhà vì sợ trời mưa trơn đi học rớt xuống khe, xuống suối.

Tại điểm trường thôn Ea Rớt của Trường Tiểu học Cư Pui 2 có 165 học sinh là con em người dân tộc thiểu số đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Ea Rớt là thôn nghèo với 100% là người dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế nên họ xem việc cho con học chữ không bằng việc lên nương lên rẫy. Cô Đỗ Trương Thị Thủy Tiên, giáo viên phụ trách lớp 3 tại điểm trường thôn Ea Rớt chia sẻ, học sinh tại điểm trường Ea Rớt chủ yếu là học sinh nghèo nhưng các em lại hiếu học và rất biết nghe lời. Tuy nhiên, hầu hết các em đều bỏ học khi vừa mới biết đọc, biết viết. Gia đình nào có điều kiện lắm mới cho con ra trung tâm xã học lên cấp 2, cấp 3. Nhiều khi các em nghỉ học lâu, hoặc bị ốm, giáo viên đến nhà thăm, chứng kiến cảnh đứa thì còng lưng cõng em, đứa lại vào rừng đốn củi rồi lấy măng, lấy cây đót mang ra chợ bán… mà không khỏi xót xa. Cô Tiên kể: Trong lớp có 2 em Cư Thị Dung và Giàng Thị Sanh thuộc diện gia đình đặc biệt khó khăn, ngày nào đến lớp cũng chỉ mang một chiếc áo lấm lem màu bùn. Có nhiều hôm Dung và Sanh không đến lớp, cô giáo đến nhà thì gặp các em đang giữ trâu ngoài đồng. Nhận thấy 2 cháu đều thông minh và ham học nên cô thường xuyên đến nhà vận động bố mẹ cho đến trường. Tuy nhiên vì cái ăn, cái mặc còn chưa đủ nên bố mẹ em cũng không mặn mà  việc học của con.

Cô học trò nghèo Cư Thị Dung miệt mài bên trang sách.
Cô học trò nghèo Cư Thị Dung miệt mài bên trang sách.

Khó khăn lắm mới bắt chuyện được với cô học trò nghèo Cư Thị Dung, nhưng hỏi gì cô bé cũng chỉ đáp gọn lỏn một từ. Phần vì em ít giao tiếp từ bé, phần nữa là dù đã học đến lớp 3 nhưng Dung và nhiều học sinh khác vẫn chưa thạo tiếng phổ thông. Khi được hỏi “Em có thích đến trường không?”, Dung bẽn lẽn đáp “Có”; và với câu hỏi “Sau này lớn em có mơ ước gì?”, cô bé không ngần ngại trả lời “Không mơ ước”. Thật sự, với hoàn cảnh hiện tại, mơ ước là một thứ gì đó quá xa xôi và mơ hồ đối với trẻ em nghèo nơi đây!

Khổ vì “bốn không”

Ea Rớt được mệnh danh là thôn “bốn không” (không đường, không điện, không chợ và không giấy tờ tùy thân). Học sinh ở đây ngoài thiếu thốn cơ sở vật chất thì còn phải đối mặt với không ít khó khăn khi học lên những cấp cao hơn. Nhiều em nghỉ học nửa chừng phần vì nghèo, phần vì vướng giấy tờ, hộ khẩu. Hiện tại, 192 hộ dân ở thôn Ea Rớt đều chưa có giấy tờ tùy thân. Và thực tế đáng buồn là trẻ em ở Ea Rớt lớn lên cũng chỉ có thể quanh quẩn bên nương rẫy và đi làm thuê trong vùng chứ không thể học nghề hay làm công nhân ở nơi khác vì thiếu giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân.

Ông Dương Văn Thành ở thôn Ea Rớt buồn rầu tâm sự, con trai ông là Dương Văn Nguyên năm nay đang học lớp 12 và chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng vì gia đình không có sổ hộ khẩu, không có CMND nên cháu không đủ điều kiện để dự thi tốt nghiệp. Ông muốn xin cho con làm công nhân nhưng do không có giấy tờ tùy thân nên người ta cũng không nhận.

Không chỉ riêng gia đình ông Thành mà những hộ dân khác đã sinh sống ở thôn Ea Rớt 20 năm qua cũng cùng chung nỗi khổ vì thiếu thốn đủ thứ. Họ lận đận vì “bốn không”, cũng không biết tương lai của con em họ sẽ thế nào nếu cứ kéo dài tình trạng này.

Nhiều trẻ em ở thôn Ea Rớt, xã Cư Pui không được đến trường mà phải lên rừng lấy cây đót về bán.
Nhiều trẻ em ở thôn Ea Rớt, xã Cư Pui không được đến trường mà phải lên rừng lấy cây đót về bán.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui về những trăn trở trên, ông Tâm cho hay, trước mắt UBND xã chỉ có thể tìm những biện pháp tạm thời như nhờ một gia đình nào đó trong xã có hộ khẩu để nhập khẩu cho các em học sinh ở Ea Rớt chuẩn bị thi THPT. Còn về lâu dài, xã đã có đề xuất lên UBND huyện và UBND tỉnh xem xét đưa thôn Ea Rớt vào quy hoạch để người dân có thể làm giấy tờ tùy thân và hưởng các chính sách khác của nhà nước.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


Trang trọng lễ đón hài cốt liệt sĩ từ Campuchia về nước
Ngày 22/5, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk trang trọng tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu, an táng 27 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia