Multimedia Đọc Báo in

Nhiều nước phương Tây cảnh báo công dân rời Libya do bạo lực leo thang

10:50, 28/07/2014
Ngày 27-7, nhiều nước phương Tây đã cảnh báo công dân của họ rời khỏi Libya, nơi giao tranh dữ dội giữa các nhóm vũ trang đang đe dọa gây mất ổn định ở nước này. 
 
Trong cảnh báo mới nhất, Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh: “Do tình hình an ninh xấu đi, Pháp sẽ đề nghị công dân nước này rời khỏi Libya”. Hiện có khoảng 100 người Pháp ở quốc gia Bắc Phi này.  
 
Trước đó, Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng đưa ra những lời kêu gọi tương tự, trong bối cảnh 2 tuần giao tranh tại thủ đô Tripoli của Libya đã khiến 97 người thiệt mạng. Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Anh nêu rõ các công dân Anh hiện đang ở Libya nên tránh các cuộc biểu tình hoặc tụ tập đông người. Bộ Ngoại giao Anh đồng thời cảnh báo về mối đe dọa khủng bố tại Libya khi có nhiều người nước ngoài thiệt mạng trong thời gian qua. Theo thông báo, Đại sứ quán Anh tại Tripoli tiếp tục duy trì hoạt động, song sẽ cắt giảm nhân viên và hạn chế công tác lãnh sự. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ra chỉ thị sơ tán toàn bộ quan chức và nhân viên Đại sứ quán nước này tại Tripoli. Lệnh sơ tán trên được đưa ra do "tình trạng bạo lực tiếp diễn sau các cuộc đụng độ giữa các lực lượng đối lập tại khu vực ngay gần trụ sở Đại sứ quán Mỹ”. Các quan chức và nhân viên đại sứ quán sẽ tạm thời được đưa sang nước láng giềng Tunisia và chỉ trở lại Libya làm việc khi an ninh tại đây được đảm bảo. Trong khi đó, Czech, Malta, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy khuyến cáo công dân nước mình không đến Libya. Riêng Thụy Điển còn hối thúc công dân rời khởi thành phố lớn thứ hai của Libya là Benghazi.
Khói bốc lên từ khu vực gần sân bay Tripoli khi chiến sự nổ ra tại đây (Nguồn: AP)
Khói bốc lên từ khu vực gần sân bay Tripoli khi chiến sự nổ ra tại đây (Nguồn: AP)

Bóng đen bạo lực tiếp tục bao trùm lên Libya khi có ít nhất 38 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa lực lượng đặc nhiệm Libya với các phiến quân Hồi giáo ở thành phố Benghazi, miền Đông nước này. Nguồn tin quân đội cho hay các vụ đụng độ đẫm máu nổ ra vào tối 26-7 và rạng sáng 27-7 sau khi những nhóm phiến quân Hồi giáo tấn công một sở chỉ huy của một đơn vị đặc nhiệm Libya, gần trung tâm thành phố Benghazi. Đa số những người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh này là dân thường và binh lính chính phủ lâm thời. Trong khi đó, các cuộc giao tranh giữa các nhóm hồi giáo vũ trang vẫn tiếp diễn tại gần sân bay ở thủ đô Tripoli. Một quả rocket đã bắn nhầm vào nhà dân thường, khiến 23 người thiệt mạng. Hầu hết nạn nhân là công nhân Ai Cập. 

Chính phủ lâm thời Libya ngày 26-7 cảnh báo nguy cơ đất nước sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu các cuộc giao tranh giữa lực lượng vũ trang Zintan và các tay súng Misrata đối địch nhằm giành quyền kiểm soát sân bay Tripoli vẫn tiếp diễn. Cùng với việc kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài 13 ngày nay quanh sân bay nói trên, Chính phủ lâm thời Libya cảnh báo "đất nước sẽ bị phá hủy vì chiến tranh". Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh đã cắt đứt mọi kết nối hàng không giữa Libya với thế giới bên ngoài. Tình hình bạo lực tại Tripoli cũng đã buộc các ngân hàng và trạm xăng dầu phải đóng cửa, trong khi điện bị cắt ngày một thường xuyên hơn, làm cả thủ đô tê liệt. Giá nhiên liệu trên thị trường đen đã lên tới 120 dinars (97 USD) cho 20 lít, trong khi mức giá niêm yết công khai chỉ là 3 dinars. 

 
Bộ Y tế Libya cho biết ít nhất 47 người đã thiệt mạng và 120 người bị thương kể từ khi bùng phát giao tranh ngày 13-7 vừa qua. Đây là các cuộc giao tranh lớn nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 23-7 đã lên án tình hình này là "không thể chấp nhận được", đồng thời nhấn mạnh rằng không thể dùng bạo lực để đạt các mục đích chính trị.
 
H.T ( tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc