Multimedia Đọc Báo in

Dịch bệnh tay chân miệng diễn biến bất thường

14:24, 15/07/2011

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 16.182 trường hợp mắc bệnh TCM; trong đó đã có 51 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu là trẻ em. Bệnh nhân mắc TCM ghi nhận được tại 47 địa phương, với hơn 50% ở đối tượng trẻ từ 3 đến 5 tuổi. TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số người mắc và tử vong cao nhất với 20 trường hợp, tiếp đến là Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Theo dõi gần 2 tháng qua, bệnh TCM có chiều hướng gia tăng cả về số ca mắc và tử vong. Nếu như những năm trước, thời điểm đỉnh dịch thường rơi vào từ tháng 9 đến tháng 12, nhưng năm nay, dù mới tháng 7 dịch đã bùng phát mạnh. Đặc biệt, năm 2010, số ca mắc ghi nhận khoảng 10.000 trường hợp thì trong 6 tháng đầu năm 2011, số mắc đã tăng gấp 1,5 lần so với cả năm trước. Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh TCM tiếp tục bùng phát mạnh ở nhiều địa phương. Khu vực miền Nam vẫn là điểm nóng của dịch bệnh này với hơn 80% số ca mắc và gần 90% số tử vong.

 

Trẻ mắc bệnh TCM đang điều trị tại cơ sở y tế. Ảnh: TL


Hiện tại, các chuyên gia phòng chống dịch bệnh vẫn chưa khẳng định được những trường hợp mắc TCM rồi có tái mắc hay không và nếu không thì thời gian miễn dịch là bao lâu. Theo đánh giá của các chuyên gia dịch tễ, dịch TCM có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo và khu vui chơi. Vì bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hóa nên tại các khu vực đông trẻ em, cứ một trẻ mắc bệnh thì có thể nhiều trẻ khác sẽ bị lây. Do tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nên Bộ Y tế đã đưa bệnh tay chân miệng vào hệ thống báo cáo thường xuyên trong nhóm các bệnh truyền nhiễm. Theo đó, liên tục trong các tuần qua và những tuần tới đây các đoàn thanh tra của Cục Y tế dự phòng chỉ đạo công tác phòng dịch, yêu cầu chú trọng điều tra, lấy mẫu những trường hợp mắc bệnh nặng, có biến chứng để làm xét nghiệm giúp cho việc theo dõi, giám sát quá trình lưu hành cũng như sự biến đổi của virút gây bệnh. Ngoài ra, phác đồ điều trị bệnh TCM cũng được cập nhật, chỉnh sửa. Phác đồ chỉnh sửa này sẽ hướng dẫn chi tiết về triệu chứng của từng giai đoạn bệnh nhằm giúp bác sĩ và điều dưỡng có hướng điều trị kịp thời.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc