Multimedia Đọc Báo in

Làm đẹp ở thẩm mỹ viện: Coi chừng tiền mất, tật mang

10:17, 05/05/2012

Ngày nay, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, nhu cầu làm đẹp trở nên phổ biến với nhiều phụ nữ. Chị em đã không ngần ngại bỏ ra hàng chục triệu đồng, thậm chí “cắn răng” chịu đau khi phẫu thuật để mong “cải thiện” được phần nào nhan sắc của mình. Thế nhưng, ít ai biết rằng việc làm đẹp (có dao kéo can thiệp) phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chuyên môn của cơ quan quản lý.

“Vàng thau” lẫn lộn

Chủ một dịch vụ chăm sóc sắc đẹp có thâm niên hơn 15 năm trong nghề chia sẻ: cách đây khoảng chục năm, số thẩm mỹ viện (TMV) ở thành phố này chỉ đếm trên đầu ngón tay, những ai có nhu cầu làm đẹp “xa xỉ” như nâng mũi, sửa mắt, cắt mi, xăm môi… phải vào tận TP. Hồ Chí Minh. Còn bây giờ, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hầu như không thiếu một dịch vụ nào phục vụ cho việc chị em “tút” lại nhan sắc; theo đó, nhiều chị em (có điều kiện) cũng chịu chi hơn với thẩm mỹ, chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để đầu tư cho nhan sắc của mình. Dạo quanh các tuyến đường Bà Triệu, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông, Phan Bội Châu… có nhan nhản TMV, salon chăm sóc sắc đẹp mọc lên với đủ các chiêu trò quảng cáo, bảng hiệu bắt mắt, phòng ốc đẹp, từ trung bình đến cao cấp, cùng đa dạng về dịch vụ chăm sóc sắc đẹp như tắm trắng, tẩy lông, massage mặt, toàn thân, giải phẫu căng da mặt, xóa sẹo, nâng mũi, phun, xăm mắt, hút mỡ… Điều dễ thấy là giữa các TMV này dường như có sự chạy đua ngầm về địa thế mặt tiền, hệ thống máy móc hiện đại, trình độ nhân viên, giá cả… để hút khách. Còn đa phần chị em khi đi làm đẹp, thường chỉ nghe bạn bè, người quen giới thiệu ở đâu giá rẻ thì vào mà không biết rằng có những cơ sở làm đẹp mở ra không theo một tiêu chuẩn nào, không có giấy phép hành nghề, không bảo đảm các quy định về y tế, cũng như trình độ chuyên môn nhất định.

Thậm chí, các loại hình làm đẹp “xa xỉ” này cũng có mặt trong những tiệm cắt tóc bình dân, với giá rẻ hơn đến 2 lần so với các trung tâm thẩm mỹ. Ở đây, khách hàng được chủ tiệm công khai giá cả các dịch vụ, phổ biến là phun, xăm môi, lông mày, nối mi; không gian để các “bác sĩ tay ngang” này làm đẹp cho chị em chỉ là một căn phòng nhỏ, chừng vài chục mét vuông, đồ nghề khá sơ sài, chưa được sát trùng kỹ. Tại một tiệm cắt tóc-gội đầu trên đường Lê Duẩn, chủ cơ sở này còn kiêm luôn cả việc xăm môi, phun lông mày cho khách. Bà chủ tiệm tên T. phân trần: “làm mấy cái này đơn giản thôi mà, chị làm cả chục năm nay rồi. Chỉ cần nhìn vài lần cộng thêm tí năng khiếu là làm được. Điều quan trọng là phải có kinh nghiệm để nhìn vào sắc tố môi khách mà chọn màu cho phù hợp…”. Trên thực tế, có khá nhiều trường hợp chị em làm đẹp về đã bị dị ứng, nhiễm trùng phải điều trị dài ngày. Chị T (cán bộ một cơ quan Nhà nước) kể lại trong nỗi ấm ức: sở hữu một làn da ngăm đen, vì muốn trắng trẻo một tí cho dễ nhìn, cách đây vài tháng, chị tìm đến một TMV trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để “tắm trắng”, nhưng vì lần đầu tiên đi “tân trang sắc đẹp” còn nghi ngại về chất lượng dịch vụ nên chị quyết định chỉ “thí nghiệm” trước ở vùng tay. Sau hơn 2 giờ ngâm với thứ hóa chất dẻo, màu trắng, da chị bắt đầu bỏng rát, khi lớp da mỏng được lột đi, da chị có vẻ trắng hơn nhưng nổi nhiều mụn đỏ. Qua một đêm thức dậy, chị phát hoảng khi thấy da ở vùng tay mình bị nhăn nheo, sưng tấy lên và nổi ngứa, phải đi bác sĩ da liễu điều trị gần một tháng mới khỏi(?!).

Đến bây giờ nhớ lại, chị L (phường Tân Thành) vẫn phát hoảng với kiểu làm đẹp bằng kim lăn và tế bào gốc mà chị từng tham gia cách đây không lâu. “Tốn gần 15 triệu đồng mà hiệu quả chẳng thấy đâu”- Chị L. bức xúc nói. Da mặt vốn có thời kỳ bị mụn, để lại nhiều vết sẹo rỗ, theo một người bạn giới thiệu, chị tìm đến một TMV khá sang trọng thuộc phường Tự An để mong được “cải thiện” đôi chút. Ở đây chị được tư vấn điều trị bằng công nghệ lăn kim - tế bào gốc, với lời giới thiệu khá thuyết phục rằng: sản phẩm được chiết xuất tách bỏ nhân tế bào gốc từ màng dây rốn trẻ sơ sinh tạo thành dịch nuôi cấy tế bào, bôi lên sẽ kích thích tế bào gốc dưới da phát triển, đẩy lùi sẹo, rỗ do mụn và tái tạo da, làm da trở nên mịn màng và sáng hơn (?!) Để làm đẹp theo phương pháp này, ban dầu chị L. phải bỏ tiền ra mua một cây kim lăn (giá 650.000 đồng) để tạo tổn thương mới ở nền sẹo, phá bỏ tổ chức xơ và sử dụng một loại dung dịch gọi là tế bào gốc để kích thích, làm đầy tổ chức trung bì nhằm lấp đầy sẹo lõm. Chi phí 2,5 triệu một lần (chưa tính tiền công) và phải làm ít nhất 3 lần mới hiệu quả, sau đó sẽ mua hộp tế bào gốc (14 tuýp - giá 750.000 đồng) về nhà bôi liên tục trong vòng ba tháng. Muốn đẹp, chấp nhận tốn kém đã đành, nhưng “ớn lạnh” nhất vẫn là công đoạn lăn kim. Chị L. cho biết: sau khi xịt tê, nhân viên thẩm mỹ dùng kim lăn với nhiều đầu kim nhọn, dài 2 mm để lăn qua lăn lại trên bề mặt (quá trình này kéo dài khoảng 30 phút), tác động trực tiếp vào da tạo ra các lỗ thông từ bên ngoài vào trong trung bì, sau đó dùng một tuýp tế bào gốc bôi lên bề mặt da đã được lăn. “Dù đã xịt thuốc tê nhưng vì các đầu kim nhọn, sắc, da mặt lại mỏng nên rất đau đớn, mỗi khi kết thúc một lần lăn, da trở nên đỏ ửng và rát, đôi lúc còn sưng nhẹ, phải mất vài ngày sau mới trở lại bình thường” -  Chị L. rùng mình nhớ lại.

Tỉnh táo trước các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp

Với mong muốn có được một khuôn mặt, làn da như ý, nhiều chị em đã không ngại đầu tư tiền của, chấp nhận những cơn đau để làm đẹp. Nhưng vì không có đủ thông tin về các loại dịch vụ này nên nhiều chị em đã biến mình thành nạn nhân của những trò “móc túi” công khai và đôi khi phải gánh chịu hậu quả, chẳng những không “níu giữ” được tuổi xuân mà còn ẩn chứa mối hiểm họa cho sức khỏe. Theo số liệu của Sở Y tế Dak Lak, khoảng từ năm 2005 đến nay, sở mới cấp 4 giấy phép hành nghề thẩm mỹ tư nhân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng các cơ sở hành nghề chăm sóc da (có liên quan đến các kỹ thuật y tế) lớn hơn rất nhiều. Đáng chú ý, nhiều cơ sở chăm sóc sắc đẹp vẫn treo biển “thẩm mỹ viện” mặc dù chưa được cơ quan chức năng cho phép. Bác sỹ Cao Minh Toàn, Phó giám đốc Sở Y tế Dak Lak cho biết, việc kiểm tra chất lượng hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ chủ yếu do bộ phận thanh tra sở và hội đồng y dược tiến hành. Thực tế công tác này cũng gặp không ít trở ngại, một phần do lực lượng thanh tra còn mỏng, một phần vì có sự trá hình giữa các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp thông thường và dịch vụ có liên quan đến kỹ thuật y tế, thành ra rất khó kiểm soát.

Dĩ nhiên không thể phủ nhận sạch trơn những hiệu quả mà TMV mang lại, trong đó giúp chị em sau khi làm đẹp có phần tự tin hơn với chính mình, nhưng theo bác sỹ Cao Minh Toàn trước khi sử dụng các loại dịch vụ làm đẹp có can thiệp đến kỹ thuật y tế, chị em cần tìm hiểu kỹ ưu, khuyết điểm của từng loại để chọn dịch vụ phù hợp; tiến hành ở những phòng khám chuyên ngành giải phẫu thẩm mỹ uy tín, có giấy phép hành nghề, không nên nghe theo những lời quảng cáo hoặc thổi phồng; và trên hết nên hết sức thận trọng trước các trung tâm sắc đẹp đang nở rộ trong thời buổi hiện nay.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc