Multimedia Đọc Báo in

Vệ sinh môi trường để phòng bệnh sốt xuất huyết trong mùa cao điểm

06:18, 03/10/2012

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm và có khả năng gây thành dịch lớn trong thời điểm giao mùa, nhất là vào mùa mưa, bệnh do muỗi vằn đốt và có thể lây từ người bệnh sang người lành. Sốt xuất huyết không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà còn làm giảm hiệu quả lao động và học tập; trong những trường hợp nặng, sốt xuất huyết có thể gây tử vong…

 Thường xuyên  thực hiện vệ sinh môi trường một trong những  biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất hiện nay.
Thường xuyên thực hiện vệ sinh môi trường một trong những biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất hiện nay.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, hằng năm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá cao do ý thức thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong nhân dân chưa cao. Năm 2010 toàn tỉnh có 6.443 người mắc sốt xuất huyết; năm 2011 giảm xuống còn 225 trường hợp và từ đầu năm 2012 đến ngày 30-8 là 197 ca sốt xuất huyết; tuy số mắc bệnh có giảm 4 ca so với cùng kỳ 2011 nhưng số ca trong tháng 6, tháng 7, tháng 8 năm 2012 lại tăng 93 bệnh nhân so với ba tháng cùng kỳ năm trước.

Ngoài các yếu tố thuận lợi cho việc sinh sản và phát triển của muỗi như bụi rậm, cống rãnh ứ đọng nước thải… thì việc không thường xuyên thực hiện vệ sinh môi trường của người dân cũng tạo điều kiện cho lăng quăng và muỗi sinh sôi. Trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, bên cạnh những xã phường thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự giác thực hiện vệ sinh môi trường quanh nhà ở, tổ dân phố, khối phố thì tại một số khu phố trên địa bàn thành phố, người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến hoạt động vệ sinh môi trường để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Ths.Bs Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Bệnh sốt xuất huyết thường tăng theo chu kỳ mà tác nhân gây bệnh là do muỗi vằn đốt và lây truyền từ người bệnh sang người lành chủ yếu là do muỗi chích. Thời điểm từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm là mùa cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết, do thời tiết từ khô hanh chuyển sang mưa rào tạo môi trường thuận lợi cho các loại muỗi sinh sản, nhất là muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết. Ông cũng khuyến cáo: Người dân nên thường xuyên thực hiện vệ sinh môi trường, loại bỏ tất cả các dụng cụ chứa nước đọng, khơi thống cống rãnh nước thải trong khu dân cư… để tiêu diệt các vị trí đẻ trứng của muỗi, bọ gậy, lăng quăng, đặc biệt  tránh muỗi đốt là biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất hiện nay.

Vì vậy, để phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân và gia đình, mọi người cần thường xuyên ngủ màn, kể cả ban ngày và ban đêm, luôn lau chùi nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, bảo đảm cho ánh sáng mặt trời chiếu vào phòng ngủ, nơi treo quần áo để xua đuổi nơi trú ngụ của muỗi. Đối với xung quanh nhà cần thường xuyên quét dọn vệ sinh, phát quang tán cây, bụi rậm,  khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải, lật úp các dụng cụ nước đọng để loại bỏ nơi ở của lăng quăng, bọ gậy… Tổ dân phố cần tổ chức tổng vệ sinh, thu gom rác thải ngay tại đường đi, ngõ xóm… và xem đây là một trong những hoạt động thường xuyên để bảo vệ sức khỏe của mình và những người xung quanh, nhất là trong mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết.

Khi nghi ngờ bản thân hoặc người thân mắc các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết như: sốt cao đột ngột trên 39 oC và sốt kéo dài, kèm theo các dấu hiệu chán ăn, đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau bụng… cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hương Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.