Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ

16:50, 24/07/2013

Các tai nạn thương tích (TNTT) như chấn thương, bỏng, hóc vật lạ, đuối nước, ngộ độc, bị chó mèo cắn, côn trùng đốt… thường gặp trong cuộc sống hằng ngày và gây những hậu quả nghiêm trọng như: để lại sẹo, tàn tật, thậm chí là tử vong.

Theo kết quả điều tra quốc gia liên trường về TNTT của Trường Đại học Y tế công cộng và Mạng lưới y tế công cộng Việt Nam năm 2010, trong 20 nguyên nhân tử vong hàng đầu thì tai nạn thương tích chiếm 5 nguyên nhân; TNTT là nguyên nhân đứng thứ hai trong toàn bộ các nguyên nhân gây tử vong ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2012 toàn tỉnh xảy ra 3.294 trường hợp bị TNTT (từ 0-14 tuổi), trong đó tử vong 38 trường hợp. Nguyên nhân dẫn đến TNTT ở trẻ do té ngã là 1.295 trường hợp, tử vong 6 trường hợp; tai nạn giao thông là 858 trường hợp, tử vong 6 trường hợp; bị bỏng 272 trường hợp; ngộ độc hóa chất, thực phẩm và động thực vật có độc là 152 trường hợp… Riêng 6 tháng đầu năm 2013 số trẻ bị TNTT là 2.218 trường hợp, trong đó tử vong 19 trường hợp. TNTT do té ngã là 989 trường hợp; tai nạn giao thông 491 trường hợp, tử vong 3; bị bỏng 146 trường hợp; ngộ độc hóa chất, thực phẩm và động thực vật có độc là 118 trường hợp… Từ những số liệu trên cho thấy nguyên nhân trẻ bị TNTT đầu tiên là do té ngã, tiếp đến là do tai nạn giao thông rồi mới đến các nguyên nhân khác.

Nguyên nhân chính của thực trạng này là do kiến thức về an toàn trong cuộc sống của người dân còn thấp, ý thức chấp hành luật pháp và các quy định về an toàn chưa nghiêm. Môi trường sống của trẻ ở gia đình, nhà trường cũng như xã hội chưa thực sự an toàn, các nguy cơ gây TNTT cho trẻ em vẫn luôn rình rập hằng ngày. Do chưa lường hết được sự nguy hiểm có thể xảy ra nên mọi người chưa có ý thức phòng ngừa TNTT, nhất là phòng ngừa cho trẻ em.

* Phòng tránh chấn thương (sọ não, cột sống, gãy xương, trật khớp, bong gân, vết thương...): Các bậc thềm cao, cầu thang phải có tay vịn, gác xép phải có thành chắn, các cây cao xung quanh nhà có rào ngăn; nền nhà, sân… không được trơn, không mấp mô tránh cho trẻ không bị ngã. Chú ý đến ghế, thang hoặc những vật thấp bên cạnh tủ, giường, lan can… đề phòng trẻ leo trèo có thể làm trẻ ngã hoặc bị các vật đè lên người.

 * Phòng ngạt nước: Gia đình có lu nước, bể, giếng phải có nắp đậy an toàn; nếu gia đình sống ở vùng sông nước thì nhà phải có cửa chắn, rào cổng. Các hố sâu như: hố đào lấy cát, làm gạch, hố phân, hố vôi, ao, hồ quanh nhà... cần làm rào chắn xung quanh khi đang còn sử dụng, khi không sử dụng nữa cần lấp lại. Không cho trẻ tự tắm ở ao, hồ, sông suối một mình.

* Phòng dị vật làm tắc đường thở: Đồng xu, cúc áo, nút chai, kim băng, kẹp tóc, túi nylon, hạt trái cây… không được vứt bừa bãi trong tầm với của trẻ vì trẻ thích ngậm đồ vật khi chơi đùa sẽ bị trôi xuống họng gây ngạt, tắc thở. Khi cho trẻ 1-3 tuổi ăn trái cây có hạt như nhãn, vải... cần hết sức để ý, tốt nhất là nên lấy hạt ra rồi mới cho trẻ ăn.

* Phòng ngộ độc hóa chất, ngộ độc thức ăn, ngộ độc thuốc: Chất tẩy rửa, thuốc độc, hóa chất, trừ sâu, thuốc diệt chuột… cần cất nơi an toàn, nếu không cần thiết thì không cất giữ hóa chất trong nhà, không đựng hóa chất vào các chai lọ đựng thức ăn, nước uống vì dễ gây nhầm lẫn. Thuốc uống phải được để trong tủ có khóa hay giá cao nơi trẻ không với được; Cần thường xuyên xem xét các loại thức ăn, đồ uống để phòng tránh việc trẻ ăn, uống phải thức ăn ôi thiu, hết hạn sử dụng... gây ra tình trạng ngộ độc.

* Phòng phỏng (bỏng) da: Các thiết bị nấu ăn như bếp lò, bếp ga…; các vật gây cháy như bao diêm, bật lửa và phích nước phải để xa tầm tay của trẻ, bảo đảm an toàn nhằm phòng tránh bỏng. Không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện ngang tầm tay trẻ em.

* Phòng súc vật, côn trùng cắn: Không cho trẻ chơi ở những nơi có nhiều bụi cây rậm rạp. Căn dặn trẻ không chọc phá tổ ong, tổ kiến. Thường xuyên dọn dẹp, phát quang bụi rậm xung quanh nhà.

* Phòng điện giật: Những thiết bị điện như ổ cắm điện, cần lắp đặt cao ngoài tầm tay của trẻ và phải có thiết bị bảo vệ; dây dẫn điện không bị hở, các đồ dùng điện không bị rò điện. Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện.

* Phòng tai nạn giao thông cho trẻ: Nhà phải có rào, cổng, cửa chắn an toàn, ngăn cách trẻ với đường giao thông và các phương tiện giao thông. Khi cho trẻ tham gia giao thông bằng xe mô tô cần đội mũ bảo hiểm cho trẻ (từ 6 tuổi trở lên). Với trẻ nhỏ khi qua đường nên có người lớn dẫn qua. Không đá bóng, chơi cầu lông ở lòng, lề đường.

Ngoài ra, cũng cần chú ý phòng tai nạn cho trẻ trong những trường hợp như : Khi vui đùa dưới nắng, chỉ nên cho trẻ chơi đùa dưới nắng trước 9 giờ sáng, sau 9 giờ nắng gắt có thể làm trẻ bị say nắng. Vào mùa hè hạn chế dùng dầu thơm, keo xịt tóc cho trẻ vì khí hậu nóng ẩm sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.

Để bảo đảm cho việc nuôi con khỏe, ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ đầy đủ dinh dưỡng, phòng tránh và xử trí tốt các bệnh thông thường cho trẻ thì việc phòng tránh TNTT cho trẻ cũng rất quan trọng, vì có thể để lại những hậu quả rất thương tâm, di chứng suốt đời.

Hồng Vân  


Ý kiến bạn đọc