Truyền thông phòng, chống ung thư: Góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng
Bệnh ung thư ngày càng gia tăng và trở thành mối lo ngại của nhiều người. Theo đánh giá của Hội Phòng, chống Ung thư Việt Nam: trên 80% bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh ở giai đoạn muộn, chủ yếu là do chưa có hiểu biết đúng về phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư. Do đó, công tác truyền thông, giáo dục cho người dân nhằm nâng cao nhận thức để thực hiện hành vi có lợi cho sức khỏe, phát hiện sớm và điều trị tích cực là một trong những hoạt động quan trọng cần được các cấp các ngành và toàn thể cộng đồng quan tâm.
Bác sĩ Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh khám bệnh và tư vấn cách thức phòng, chống ung thư cho bệnh nhân. |
Từ tháng 9-2012 đến nay, Dự án “Tăng cường bằng chứng cho truyền thông phòng, chống ung thư” đã được triển khai tại 12 xã, phường thuộc 2 huyện Cư Kuin, Cư M’gar và thành phố Buôn Ma Thuột. Dự án do UBND tỉnh quản lý, Sở Y tế chịu trách nhiệm triển khai với sự hỗ trợ của Tổ chức Healh Bridge (Canada) và sự tài trợ của Atlantic Philanthropies, với mục tiêu giảm số ca nhiễm mới và tử vong do ung thư tại Dak Lak. Theo đó, huy động sự tham gia của lãnh đạo các ngành liên quan trong lĩnh vực phòng, chống ung thư, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về kiến thức và kỹ năng truyền thông, tuyên truyền giúp người dân thay đổi nhận thức để thực hiện hành vi có lợi cho sức khỏe, có lối sống lành mạnh nhằm phòng tránh các yếu tố nguy cơ gây ung thư... Dự án đã triển khai nhiều hoạt động từ tỉnh đến cơ sở như: tổ chức hội nghị, lễ phát động, mít tinh tuyên truyền phòng, chống ung thư tại huyện Cư Kuin và Cư M’gar; cấp phát hàng trăm bộ tài liệu về truyền thông phòng, chống ung thư; tổ chức 9 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống ung thư cho hơn 300 cán bộ y tế, cộng tác viên y tế thôn, buôn, cán bộ văn hóa, phụ nữ, ban tự quản thôn, buôn của 12 xã, phường thuộc các địa bàn triển khai dự án. Ngoài các hoạt động truyền thông trực tiếp, Dự án còn tăng cường công tác truyền thông gián tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện các tin, bài, phóng sự, trao đổi, kịch truyền hình và các chương trình phổ biến kiến thức phòng, chống ung thư trên Báo Dak Lak, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Qua đó, 100% cán bộ y tế cơ sở được trang bị kỹ năng, thực hiện tốt công tác truyền thông phòng, chống ung thư tại địa phương; 80% người dân từ 18 đến 60 tuổi tại các xã, phường trong vùng dự án nâng cao hiểu biết chung về các yếu tố nguy cơ gây ung thư và các biện pháp phòng bệnh.
Chị Kim Hồng, một cộng tác viên y tế lâu năm ở khối 2, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: ”Từ khi được tập huấn kiến thức về phòng, chống ung thư, tôi đã vận dụng, phổ biến lại cho bà con trong khối. Đồng thời, trong buổi sinh hoạt Chi hội phụ nữ, tôi đã lồng ghép tuyên truyền, dùng tranh ảnh được cấp phát để minh họa giúp chị em dễ hiểu, có thêm kiến thức, chú trọng đi khám, kiểm tra sức khỏe, nhất là các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ như ung thư cổ tử cung, ung thư vú...”. Ở những địa phương triển khai dự án, người dân đã được tiếp cận với các tài liệu, thông tin tuyên truyền phòng, chống ung thư và đã có những thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức, từ đó dần thực hiện những hành vi có lợi cho sức khỏe. Chị Nguyễn Thị Lan ở xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin cho hay, ung thư không phải là bệnh mới, lâu nay nghe nói nhiều nhưng thực sự chưa biết cách phòng ngừa ra sao. Thông qua các hoạt động tuyên truyền của Dự án, chị đã chú trọng trong việc chọn mua thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường tập thể dục và khám sức khỏe định kỳ nhằm phòng tránh căn bệnh này.
Có thể nói, phòng chống ung thư là hoạt động cấp thiết và lâu dài, rất cần sự nỗ lực tham gia của các ngành hữu quan, nhất là vai trò của ngành Y tế. Tuy nhiên, hoạt động này hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn: nhân lực còn quá mỏng, chưa có mạng lưới ở các tuyến; kinh phí hoạt động hạn hẹp; cơ sở vật chất thiếu thốn, nhất là các cơ sở chuyên khoa khám và điều trị bệnh ung thư tại tỉnh còn quá ít và luôn trong tình trạng quá tải. Mặt khác, nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về phòng, chống, phát hiện sớm bệnh ung thư còn hạn chế. Trong khi đó, Dự án “Tăng cường bằng chứng cho truyền thông phòng chống ung thư” chỉ mới triển khai thí điểm tại một số địa phương. Do đó, để có thể phát huy hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống ung thư cần nhân rộng mô hình hoạt động của Dự án đối với tất cả các địa phương còn lại, để từ đó người dân sẽ có cơ hội nâng cao nhận thức phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.
Nguyễn Xuân - Minh Thu
Ý kiến bạn đọc