Chủ động phòng chống bệnh Viêm não Nhật Bản B
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, 7 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản B nói trên được ghi nhận tại 4 huyện: Lak (2 ca bệnh ở xã Ea Rbin và Dak Nuê), Krông Ana (3 ca bệnh ở thị trấn Buôn Trấp và xã Quảng Điền), Krông Buk (một ca bệnh ở xã Cư Né) và Krông Bông (một ca bệnh ở xã Yang Reh). Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: "Nguyên nhân khiến cho bệnh viêm não Nhật Bản B gia tăng trên địa bàn tỉnh là do người dân trồng cây ăn trái nhiều thu hút chim hoang dã bay về và mang theo vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản B; rồi người dân ở nhiều nơi lại nuôi heo thả rông, làm chuồng gia súc ở gần với người cũng tạo môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Ngoài ra, thời tiết thay đổi, nhiệt độ môi trường ngày một tăng cao cũng là cơ hội để muỗi truyền bệnh sinh sôi (ở nhiệt độ từ 25oC trở lên, muỗi phát triển liên tục)...".
Ngành y tế triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại địa bàn dân cư phòng các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét và viêm não Nhật Bản B. |
Đứng trước tình hình này, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh đã có những động thái tích cực để khống chế bệnh viêm não Nhật Bản B không bùng phát thành dịch. Trong đó, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các đơn vị y tế với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cho người dân trong tỉnh về phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản B. Cụ thể, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương, nhất là những xã, thị trấn có người mắc bệnh tuyên truyền biện pháp phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản đến người dân; vận động nhân dân không nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở; phát quang bụi cây quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, đưa con em đi tiêm đủ liều vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản B theo lịch tiêm chủng; triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản B cho toàn bộ trẻ từ 1 đến 15 tuổi trên địa bàn các thôn, buôn đã có trẻ mắc bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản để người dân biết cách chăm sóc trẻ, thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, vệ sinh môi trường hạn chế nguồn lây truyền; hướng dẫn người dân biết cách xử lý khi phát hiện trẻ có sốt và dấu hiệu nghi ngờ. Đồng thời, ngành Y tế tổ chức tập huấn về giám sát phát hiện, kỹ năng truyền thông và vận động cho cán bộ y tế cơ sở, phác đồ cấp cứu và điều trị để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ở tất cả các tuyến nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.
Cùng với đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thông báo cho ngành Y tế các thông tin liên quan đến bệnh viêm não Nhật Bản B và liên hệ điều trị (trong trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh), Sở Y tế đã thông báo cụ thể về cơ sở điều trị viêm não Nhật Bản B và cán bộ giải đáp thắc mắc, tiếp nhận thông tin dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, viêm não Nhật Bản B là bệnh rất nguy hiểm và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể phòng ngừa nếu người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh và thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đúng liều, đúng thời gian. Bởi trên thực tế, các trường hợp trẻ mắc bệnh và tử vong hoặc biến chứng nặng đều không tiêm phòng vắc xin, hoặc có tiêm nhưng không đủ liều. Bác sĩ CKII Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Qua điều tra tiền sử tiêm chủng của 4 ca viêm não Nhật Bản B điều trị tại khoa trong tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua, 2 trường hợp tử vong đều không được tiêm vắc xin phòng bệnh. Với hai trường hợp còn lại, một trường hợp để lại di chứng liệt tay phải, một trường hợp có tiến triển tốt. Mặc dù 2 bệnh nhân này có tiêm vắc xin phòng bệnh nhưng tiêm không đầy đủ số mũi tiêm theo quy định. Từ đó cho thấy, những trẻ được tiêm vắc xin phòng bệnh, dù chưa tiêm đầy đủ nhưng sức đề kháng vẫn tốt hơn những trường hợp không tiêm phòng”. Vì vậy, bác sĩ Tuấn khuyến cáo, mặc dù viêm não Nhật Bản B là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Các gia đình có trẻ nhỏ cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đúng lịch và đủ liều. Ngoài việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong những ngày nóng bức nhằm tăng sức đề kháng, cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường trong lành, nhất là thực hiện các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt đối với trẻ. Đồng thời, khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao, chảy nước mũi, ho, nôn, quấy khóc, nằm li bì thì cần nghĩ đến bệnh viêm não và đưa ngay trẻ tới các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Cơ sở tiếp nhận điều trị viêm não Nhật Bản B là Bệnh viện Đa khoa tỉnh (số 02 Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột). Các cán bộ giải đáp thắc mắc và tiếp nhận thông tin dịch bệnh gồm: Thạc sĩ, bác sĩ Y Bliu Arul, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, điện thoại: 0903.553707; Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, điện thoại: 0905.149844. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc