Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi mới trong cuộc chiến phòng chống dịch Mers-CoV

08:48, 27/06/2015

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuy chậm nhưng số ca mới và tử vong vì hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) vẫn tăng hằng ngày tại nhiều nơi trên thế giới. Tính đến ngày 16-6-2015, đã có 1.321 trường hợp mắc bệnh, 465 người tử vong tại 26 quốc gia.  Để chặn đứng căn bệnh này, cộng đồng khoa học đã và đang nghiên cứu những hướng đi mới, đặc biệt là vắc-xin và những loại thuốc mới.

1. Giải pháp dùng DNA tổng hợp

Tập đoàn Dược phẩm Inovio Pharmaceuticals của Mỹ mới đây đã nghiên cứu và tiến hành các xét nghiệm tiền lâm sàng một loại vắc-xin chủng ngừa MERS trên chuột, có khả năng phản ứng miễn dịch “tương đối mạnh và bền vững". Giống như hầu hết các loại vắc-xin ứng viên khác, vắc-xin của Inovio cũng được bào chế bằng quá trình tổng hợp DNA nên được xem là an toàn. Các dòng vắc-xin tổng hợp DNA thường tái tạo các dấu vết DNA của vi-rút để tạo ra một phản ứng miễn dịch nhưng không phải vi-rút sống nên không lây lan sang các tế bào vật chủ. Vắc-xin MERS của Inovio được cho là có mức độ thu hút kháng thể và các tế bào T rất hiệu quả, cả hai đều rất quan trọng trong việc làm sạch nhiễm trùng gây nên bởi vi-rút.

2. Sử dụng tái tổ hợp DNA

Hãng Dược phẩm Novavax (Mỹ), nơi nổi tiếng với các sản phẩm như vắc-xin cúm và vắc-xin  RSV mới đây đã phát triển thành công một loại vắc-xin MERS rất hiệu nghiệm. Tuy nhiên, giống như Inovio, vắc-xin của Novavax mới chỉ ở khâu thử nghiệm trên động vật. Và cũng như Inovio, Novavax cũng tránh sử dụng vi-rút suy yếu hoặc đã bị khử trong vắc-xin của mình. Trong khi Inovio tạo vắc-xin bằng DNA tổng hợp, thì Novavax lại “đánh”  vi-rút bằng tái tổ hợp DNA, kết hợp DNA từ nhiều nguồn khác nhau (thường từ các protein bề mặt của vi-rút hoặc mầm bệnh) để tạo ra vắc-xin có phản ứng miễn dịch đặc hiệu.

3. Liên kết và tiêu diệt MERS

Thay vì phát triển vắc-xin, Hãng Dược phẩm Nanoviricides (Mỹ) hiện đang phát triển các thế hệ thuốc liên kết vi-rút với các phối tử ràng buộc vi-rút (VBL) nhằm mục đích vô hiệu hóa vi-rút. Ngày 5-5, Nanoviricides thông báo đang thử nghiệm một loại vắcxin MERS đi theo công nghệ này trên động vật, bước đầu cho thấy kết quả rất khả thi. Nanoviricides hiện có tới 6 vắc-xin ứng viên cho các loại bệnh cúm, bệnh mắt do virus, HIV, herpes và sốt xuất huyết nhưng chưa loại nào trong số này được thử nghiệm lâm sàng. Đặc biệt, không giống Inovio và Novavax, Nanoviricides không liên kết với bất kỳ hãng dược phẩm hoặc chính phủ về lĩnh vực sản xuất vắc-xin.

4.  Sản xuất vắc-xin MERS từ nhân sâm

Theo trang tin nwsiw.com của Iran, hôm 19-6 vừa qua Triều Tiên công bố đã sản xuất được “thần dược” chống vi-rút gây bệnh MERS và nhiều loại bệnh lây nhiễm khác. Đây là sản phẩm của Công ty Dược phẩm Pugang có tên vắc-xin Kumdang-2, được bào chế từ nhân sâm và đất hiếm. Chính người đứng đầu Pugang, bác sĩ Jon Sung-hun xác nhận, Kumdang-2 là vắc-xin có khả năng kích hoạt mạnh hệ miễn dịch nên có tác dụng ngăn ngừa nhiều dịch bệnh hiểm nghèo.  Kumdang-2 từng tiêm cho người chưa bị lây bệnh truyền nhiễm và khi tới khu vực có dịch không bị mắc bệnh, điều này cho thấy Kumdang-2 rất hiệu quả trong việc đối phó với MERS. Thông tin trên chưa được kiểm chứng nên dư luận cho rằng độ chính xác thấp, vả lại, một số dịch bệnh hiện nay ở Triều Tiên vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh.

5.  Kháng thể phòng MERS từ trứng đà điểu

Theo nguồn tin nước ngoài, nhóm chuyên gia ở Viện Cao học - Đại học Kyoto (Nhật Bản) và Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm thuộc Lục quân Hoa Kỳ (USAMRIID) do GS Yasuhiro Tsukamoto đứng đầu vừa bào chế thành công một lượng lớn kháng thể từ trứng đà điểu, có khả năng ức chế hiệu quả coronavirus, vi-rút gây MERS. Đây là dược phẩm dạng xịt, đã được thử nghiệm tại Mỹ và dự kiến sẽ được đưa tới Hàn Quốc trong thời gian tới. Trong dự án, các nhà khoa học đã tạo ra một loại protein bề mặt của coronavirus từ tế bào con tằm, sau đó đưa protein này vào cơ thể đà điểu dưới dạng kháng nguyên, tiếp tục tinh chế kháng thể từ trứng đà điểu có chứa kháng thể chống vi-rút. Theo GS Tsukamoto, coronavirus đi vào tế bào người thông qua protein đặc biệt, và kháng thể trên sẽ tạo thành một lớp mặt bọc bên ngoài tế bào để phong bế vi-rút thâm nhập vào tế bào nên có thể ngăn chặn được quá trình lây nhiễm MERS.  Sở dĩ trứng đà điểu được dùng cho nghiên cứu là vì chúng khỏe về miễn dịch, có khả năng tự chữa lành vết thương rất nhanh. Hiện tại, kháng thể trên đang được kiểm chứng hiệu quả và phản ứng phụ, chưa được chứng nhận nên chưa sử dụng đại trà, mới chỉ ứng dụng ở dạng phun mù, xịt vào khẩu trang, tay và các đồ vật có nguy cơ lan truyền dịch bệnh cao nên được gọi là “khẩu trang kháng thể” chống MERS.

6. Mỹ và Trung Quốc hợp tác phát triển kháng thể chống  MERS

Theo tin của THX và China Daily, các chuyên gia ở Đại học Fudan  (FU) Trung Quốc, và Viện Y học Quốc gia Mỹ hiện đang hợp tác phát triển một kháng thể mới để phòng chống vi-rút MERS, qua thử nghiệm trên động vật cho thấy "hiệu quả cao". Theo ông Jiang Shibo, người đứng đầu nhóm nghiên cứu ở FU, kháng thể này có tên m336 có thể trung hòa vi-rút MERS hiệu quả hơn so với các kháng thể khác. Đặc biệt, hiệu quả hơn khi kết hợp m336 với một dạng polypeptide điển hình. Các polypeptide này có thể được sử dụng dưới dạng thuốc xịt mũi để phòng ngừa cho nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao như nhân viên y tế hay nhóm người du lịch tới vùng có MERS hoặc sống chung, chăm sóc người bệnh. Cũng theo ông Jiang Shibo, để kháng thể m336 sớm đưa vào sử dụng, các nhà khoa học hiện đang khẩn trương thực hiện  4 phần việc, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm trên người và lập hồ sơ xin phê duyệt từ Cục Quản lý Thực - Dược phẩm Mỹ (FDA).

Duy Hùng

(Theo CD/GNC-6-2015)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.