Lầm tưởng sốt xuất huyết với cảm sốt ở trẻ em dễ gây hậu quả nghiêm trọng
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, số bệnh nhân vẫn không ngừng tăng lên. Theo các bác sĩ, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh vì sức đề kháng kém. Không ít trường hợp trẻ em mắc sốt xuất huyết nhưng người thân lại nhầm tưởng là chỉ bị cảm sốt dẫn đến những sai lầm trong chữa trị…
Bé Phạm Trọng Cường Thịnh (12 tuổi) ở phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) có triệu chứng sốt, đau đầu, người mệt mỏi. Tưởng rằng bé bị cảm, gia đình đã tự mua thuốc và điều trị tại nhà. Nhưng sau 5 ngày, bệnh không giảm mà còn có biểu hiện nặng hơn, cơ thể xuất hiện nhiều chấm xuất huyết, người thân mới đưa Thịnh đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị sốt xuất huyết nặng, có dấu hiệu cảnh báo, phải nhập viện tại khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) ngay để điều trị.
Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh khám bệnh cho bệnh nhi sốt xuất huyết tại khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). |
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, đến ngày 20-10, toàn tỉnh đã phát hiện hơn 1.400 bệnh nhân sốt xuất huyết, tăng hơn 450% so với cùng kỳ; trong đó số bệnh nhân là trẻ em chiếm hơn 20%. Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), việc phát hiện sớm và điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em có những khó khăn riêng vì triệu chứng bệnh ở trẻ em không rõ rệt như ở người lớn nên nhiều bậc phụ huynh dễ bỏ qua; các triệu chứng mệt mỏi, đau bụng, đau đầu… ở trẻ em khó phát hiện hơn người lớn, nhất là đối với trẻ nhỏ chưa biết nói. Cũng chính vì vậy mà bệnh nhi sốt xuất huyết có nguy cơ biến chứng nhiều hơn người lớn. Trên thực tế, nhiều phụ huynh vẫn lầm tưởng các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết với bệnh cảm sốt thông thường khác ở trẻ nhỏ. Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo: Để tránh nhầm lẫn, trước tiên, cha mẹ cần chú ý đến các yếu tố dịch tễ như thời điểm bệnh xuất hiện nhiều; khu vực gia đình sinh sống đã có bệnh nhân sốt xuất huyết hay chưa. Tiếp đến là triệu chứng của bệnh như: sốt cao liên tục từ 3-7 ngày, đau đầu, nhức mỏi chân tay và hiếm khi có sổ mũi, ho, triệu chứng điển hình của cảm sốt thông thường. Bác sĩ Minh cũng lưu ý thêm, ở trẻ em béo phì thì bệnh sốt xuất huyết dễ xảy ra biến chứng hơn và khi đã xảy ra biến chứng thì cũng khó điều trị hơn những trẻ bình thường khác. Cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho con em mình như:
- Thường xuyên lau chùi, dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng, hạn chế nơi trú ngụ của muỗi. Mặc quần áo dài tay cho trẻ khi trời tối, ngay cả lúc thời tiết nóng nực.
- Cho trẻ ngủ màn mọi lúc, mọi nơi
- Kiểm soát, nhắc nhở, không cho trẻ chơi ở những chỗ tối.
- Vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, thu dọn, hủy các vật phế thải có chứa nước. Diệt muỗi bằng vợt điện, nhang trừ muỗi hoặc phun hóa chất.
Nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục từ 3-7 ngày và khó hạ sốt kèm theo các biểu hiện như cơ thể đau nhức, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn; chấm xuất huyết ngoài da tại cánh tay, cẳng chân, ngực…; chảy máu mũi, chân răng, đi cầu phân đen; tay chân lạnh, tiểu ít, mạch đập yếu… thì cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes Aegypty (muỗi vằn). Hiện bệnh chưa có vắc xin phòng chống và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, để chủ động phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là tích cực diệt muỗi và tránh muỗi đốt.
Thu Huế - Đình Thi
Ý kiến bạn đọc