Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viêm não Nhật Bản và biện pháp phòng ngừa

15:18, 15/05/2017

Viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh nguy hiểm đối với trẻ em. Bệnh gây tử vong cao (tỷ lệ 10 - 20%) hoặc để lại di chứng thần kinh lớn như động kinh, giảm học lực, đần độn, liệt, thất ngôn.

Các di chứng thần kinh như vậy thường chiếm hơn 50% số người bị mắc bệnh, thường gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số người bị mắc bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện rải rác quanh năm, tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân tăng mạnh vào các tháng 5, 6, 7.

Bệnh viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm virus cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, gần 75% số trẻ mắc căn bệnh này ở độ tuổi từ 2 - 6 tuổi. Bệnh gây nên do virus viêm não Nhật Bản, lây truyền qua muỗi đốt.  Khởi đầu từ các ổ chứa virus mà lợn và chim là các động vật đóng vai trò chính. Muỗi hút máu của lợn, chim có chứa virus và sau đó đốt người sẽ truyền virus sang người. Đây là con đường lây nhiễm duy nhất của bệnh viêm não Nhật Bản. Sau khi bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản, lợn không bị bệnh nhưng nguy hiểm ở chỗ nó trở thành kho chứa, duy trì virus trong thiên nhiên, đồng thời lại là nguồn cung ứng quan trọng nhất cho muỗi đưa virus viêm não Nhật Bản lây sang người. Cho tới nay chưa thấy có sự lây truyền bệnh từ người sang người.

Người mắc bệnh viêm não Nhật Bản sau thời gian ủ bệnh từ 5 - 15 ngày, bệnh sẽ xuất hiện qua ba giai đoạn. Giai đoạn khởi phát kéo dài từ 1 - 6 ngày, bệnh nhân thường sốt đột ngột, kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn. Giai đoạn toàn phát: người bệnh tiếp tục sốt cao, kéo dài 38 - 400C, có biểu hiện của viêm màng não như đau đầu, cứng gáy, buồn nôn và nôn, táo bón; biểu hiện rối loạn ý thức như kích thích, vật vã hay ngủ li bì, hôn mê; biểu hiện tổn thương  thần kinh trung ương khu trú như co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, lưỡi, mí mắt hoặc toàn thân, liệt cứng kèm theo rối loạn thần kinh thực vật. Giai đoạn phục hồi: Nếu qua khỏi, bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn. Một số trường hợp nặng có thể để lại di chứng liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt và di chứng rối loạn tinh thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ.

Nhiều bà mẹ vẫn nhầm lẫn bệnh viêm não Nhật Bản với bệnh cảm sốt thông thường nên chủ quan, không đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Đa số bệnh nhân khi nhập viện đều trong tình trạng nguy kịch nên việc chữa trị rất khó khăn, đồng thời cũng để lại di chứng nặng nề. 

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn cho biết, nguyên tắc buộc phải tuân thủ là tất cả các bệnh nhân viêm não Nhật Bản đều phải được điều trị tại bệnh viện. Trẻ sốt cao phải được uống thuốc hạ sốt như Paracetamon, liều 15mg/kg cân nặng/lần, tối đa uống 4 lần/ngày, có thể phối hợp chườm khăn mát ở trán và bẹn, chú ý tuyệt đối không chườm đá lạnh. Tỷ lệ tử vong của bệnh viêm não Nhật Bản cao hay thấp tuỳ theo việc phát hiện bệnh sớm hay muộn và trình độ kỹ thuật hồi sức cấp cứu chống phù não, suy hô hấp, trụy tim mạch và chống bội nhiễm vi khuẩn.  Việc đưa trẻ tới bệnh viện và được xử lý kịp thời sẽ giảm tối đa các di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản, nếu không thì khả năng tàn phế suốt đời là vô cùng lớn.

Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song bệnh viêm não Nhật Bản hoàn toàn có  thể phòng ngừa được. Trước hết, cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng đãng; loại bỏ các ổ nước tù đọng quanh nơi sinh hoạt, diệt bọ gậy để muỗi không có điều kiện sinh sôi. Nếu gia đình có khu vực chuồng trại chăn nuôi thì cần được vệ sinh thường xuyên. Khi ngủ phải nằm màn, ngoài ra cần phun thuốc diệt muỗi. Tuy nhiên, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắcxin phòng viêm não Nhật Bản nhằm tạo miễn dịch chủ động. Liệu trình tiêm phòng cần đủ 3 liều: 2 mũi đầu cách nhau 1 - 2 tuần, mũi thứ 3 nhắc lại sau 1 năm. Vắcxin viêm não Nhật Bản bắt đầu tiêm khi trẻ được 1 tuổi. Các phản ứng nhẹ sau tiêm có thể là sưng đỏ tại chỗ, đau, sốt, nhức đầu. Các dấu hiệu này sẽ tự hết nhiều nhất sau vài ngày. Hầu như các phản ứng phụ nặng nề là rất hiếm gặp. Trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch trình vì nếu không tuân thủ sẽ không phát huy được hiệu lực của vắcxin, khả năng tạo miễn dịch của trẻ sẽ giảm, đôi khi còn mất tác dụng.  

Trần Lan


Ý kiến bạn đọc