Multimedia Đọc Báo in

Gia tăng bệnh nhân nhập viện do rắn cắn

08:24, 10/07/2021
Hiện nay, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang bước vào mùa mưa nên người dân thường lên rẫy, vườn cà phê để chăm sóc cây trồng. Đây là một trong những nguyên nhân rất dễ bị côn trùng, nhất là các loài rắn độc cắn bởi vì mùa hè là mùa sinh sôi, phát triển của chúng.
 
Hơn một tháng nay, hầu như ngày nào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do rắn cắn với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 2 - 3 trường hợp bị rắn cắn, cao điểm có ngày 5 trường hợp.
 
1
Các y - bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chăm sóc bệnh nhân bị rắn độc cắn.
 
Bệnh nhân khi nhập viện do nhiều loại rắn cắn; trong đó, thường gặp nhất là bị rắn lục xanh đuôi đỏ. Loại này khi cắn thường gây sưng nề, rối loạn đông máu, gây chảy máu rất nhiều. Loại thứ 2 là rắn cạp nong, cạp nia, khi bị cắn sẽ bị liệt dây thần kinh trung ương, dẫn đến suy hô hấp và tỉ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Loại thứ 3 là rắn hổ, khi bị cắn bệnh nhân thường bị phù nề, hoại tử và rất đau.
 
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một loại rắn nữa rất độc, thường xuyên gặp là rắn chàm quạp. Đây là loại rắn cùng họ với rắn lục, bệnh nhân bị rắn chàm quạp cắn thường có biểu hiện lâm sàng là rất đau đớn, chỗ cắn bị sưng nề và tốc độ lây lan các vùng hạch rất nhanh. Đối với trường hợp bị rắn lục cắn đã có huyết thanh để giải độc, còn rắn chàm quạp cắn chưa có huyết thanh chống độc nên thường gây rối loạn đông máu nặng, tỉ lệ tử vong cao... 

 

1
Bệnh nhân H’Ka Ba Niê bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
 
Đơn cử, bệnh nhân H’Ka Ba Niê (SN 1993, trú tại xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) cách đây khoảng 1 tuần, khi đang bẻ chồi cà phê trên rẫy thì bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn vào bàn tay phải. Sau đó, được người nhà chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu trong tình trạng vết cắn bị sưng, tấy đỏ, tay tê buốt. Tại đây, bác sĩ phải dùng huyết thanh kháng nọc rắn để điều trị cho bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân H’Ka Ba Niê đã ổn định.
 
Tương tự, bệnh nhân Y Rô Ram AĐrơng (SN 1998, ở buôn Króa B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) nhập viện do rắn cạp nia cắn. Khi nhập viện, bệnh nhân còn tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng chỉ sau vài giờ nọc đọc phát tán khiến bệnh nhân suy hô hấp dẫn tới hôn mê phải thở máy. Hay như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Phương Nam (SN 1988, trú tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) bị rắn cạp nia cắn, sau đó được người nhà đưa lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu. Sau khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện suy hô hấp, liệt tứ chi nên phải thở máy...
1
Bác sĩ thăm khám một bệnh nhân bị cạp nia cắn.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: “Hầu hết các trường hợp bị rắn độc cắn, nọc độc sẽ gây liệt cơ, dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời. Rất nhiều trường hợp người dân áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu như: chích hút nọc đọc, đắp lá... đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp mới đưa đến bệnh viện, lúc này điều trị rất khó khăn.

Vì vậy, khi bị rắn độc cắn, người bệnh cần hết sức bình tĩnh, không được đi lại, chạy nhảy nhiều mà cần phải tiến hành vệ sinh, sát khuẩn vết thương bằng xà phòng và nước sạch rồi băng ép cố định để hạn chế nọc độc chạy vào hệ thần kinh; không được rạch, chích vùng bị cắn vì sẽ gây nhiễm trùng. Sau đó, khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất gần nhất để được sơ cứu ban đầu rồi chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được xử lý kịp thời.

Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ điều trị bằng nhiều phương pháp như: sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn, thở máy để bảo đảm hô hấp, lọc máu liên tục để điều trị suy đa tạng, dùng kháng sinh để phòng bội nhiễm vi khuẩn; đồng thời, sử dụng huyết thanh SAT để phòng uốn ván, chống đau, giảm phù nề, điều chỉnh các rối loạn đông máu...".

Thế Hùng

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.