Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh sốt xuất huyết từ thay đổi thói quen sinh hoạt

08:32, 10/07/2021

Đắk Lắk đang bước vào mùa mưa, đây là thời điểm thích hợp để muỗi vằn - vector trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết - sinh sản, phát triển, dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết nếu không có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Khoảng thời gian từ tháng 6 - 11 hằng năm là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn phát triển kéo theo dịch sốt xuất huyết. Bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh chóng do những thói quen sinh hoạt hằng ngày như: không thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, không diệt loăng quăng (bọ gậy); khi ngủ không mắc màn; tích trữ nước sinh hoạt hay giữ các dụng cụ, vật phế thải có khả năng đọng nước mưa...

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết tháng 6-2021, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 200 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tập trung nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện: Buôn Đôn, Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Ana, Krông Bông, Ea H’leo…

Để phòng sốt xuất huyết trong mùa mưa, người dân nên chủ động dọn dẹp nơi ở, vệ sinh môi trường sống.
Để phòng sốt xuất huyết trong mùa mưa, người dân nên chủ động dọn dẹp nơi ở, vệ sinh môi trường sống.

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để phòng bệnh sốt xuất huyết, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, không để tình trạng dịch chồng dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân cần chú trọng đến thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Theo đó, cần diệt muỗi, lăng quăng bằng cách đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn; thay rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ thường xuyên để đảm bảo đồ chứa nước luôn sạch sẽ, không tạo môi trường sinh sôi cho lăng quăng, thu gom và hủy các vật phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ..., lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; thay nước các bình cắm hoa thường xuyên.

Để phòng chống muỗi đốt, người dân nên mặc quần áo dài, kể cả ban ngày, đặc biệt chú ý lúc sáng sớm và chiều tối là thời gian hoạt động mạnh của muỗi vằn, ngủ trong màn bất kể là ngày hay đêm, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Ngoài ra, người dân cũng nên thiết lập cho mình và gia đình một chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước cho cơ thể và ăn các loại quả chứa nhiều vitamin C giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Để phòng tránh dịch sốt xuất huyết, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thời gian qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các trung tâm y tế huyện, thành phố khẩn trương khoanh vùng, xử lý triệt để các ca bệnh và ổ dịch nội sinh. Đồng thời, tích cực triển khai công tác giám sát tại cộng đồng, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng; tiếp tục tuyên truyền các cấp ngành liên quan và cộng đồng dân cư chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống các dịch bệnh.

Đồng thời khuyến cáo người dân khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Phương Nhiên


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.