Tập trung thực hiện đạt mục tiêu về vệ sinh và nước sạch nông thôn
Đắk Lắk là một trong những tỉnh được hưởng lợi từ Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng thế giới (Chương trình WB).
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông VŨ ĐỨC CÔN, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban điều hành Chương trình WB nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát hơn về chương trình này.
°Ông có thể cho biết sự khác nhau giữa Chương trình WB so với những chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường trước đây?
Trước đây, Chương trình WB đã được triển khai tại 7 tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Sau khi thấy hiệu quả của chương trình, Ngân hàng thế giới đã quyết định mở rộng ra 21 tỉnh trên cả nước, trong đó có 14 tỉnh miền núi phía Bắc, 5 tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh Nam Trung bộ. Tên gọi của chương trình đã cho thấy sự khác biệt so với những chương trình nước sạch, vệ sinh trước đây là giải ngân tiền vay của ngân hàng thế giới dựa trên kết quả đầu ra phù hợp với các tiêu chí đã được thống nhất ban đầu. Tức là mục tiêu quan trọng nhất là đầu tư xây dựng công trình và phát huy hiệu quả thực tế, khi nhà tài trợ thấy rõ kết quả mới giải ngân vốn vay như đã cam kết. Thêm vào đó, chương trình rất chú trọng vấn đề vệ sinh, tức là làm nước sạch để phục vụ cho công tác vệ sinh, góp phần nâng cao sức khỏe và các vấn đề vệ sinh môi trường nói chung ở nông thôn.
°Đến thời điểm hiện tại, tỉnh ta đã triển khai chương trình này như thế nào và có gặp phải có khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?
Tại Đắk Lắk, nguồn vốn triển khai chương trình trong giai đoạn 2016-2020 là hơn 254 tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp nước, vệ sinh hộ gia đình, các trường học, trạm y tế và tập trung nâng cao ý thức của cộng đồng, các đơn vị liên quan. Đến nay, Đắk Lắk được cơ quan thường trực của Trung ương ghi nhận là một trong số ít tỉnh hoàn thành các công việc theo tiến độ đề ra. Tỉnh cũng đã chủ động bố trí vốn đối ứng của địa phương để thực hiện các công việc, truyền thông, vận động nhằm nâng cao hiểu biết của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư về chương trình này và chủ động tham gia.
Tuy nhiên, chương trình cũng gặp khó khăn là mặc dù yêu cầu tiến độ chi tiết, cụ thể cho từng năm và tổng thể của 5 năm đã có nhưng vốn vay hỗ trợ vẫn chưa có. Vì vậy, các chỉ tiêu, kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2016 cũng như năm 2017 sẽ chậm lại do nguồn vốn giải ngân chậm và trong các năm tiếp theo, khối lượng công việc sẽ nhiều hơn. Một cái khó nữa là nhà tài trợ chỉ cho ứng 20% vốn để thi công công trình. Sau khi công trình đưa vào hoạt động, nhà tài trợ sẽ kiểm đếm bằng các đơn vị chuyên nghiệp để xác định chỉ số đầu ra đúng tiêu chí mới giải ngân tiếp 80% số vốn còn lại; nếu không đạt, địa phương phải tự bỏ kinh phí trang trải cho các hoạt động đã thực hiện.
°Theo ông, việc triển khai Chương trình WB có đáp ứng kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập của các chương trình cấp nước và vệ sinh trước đây?
Thực hiện cấp nước và vệ sinh nông thôn rất quan trọng vì góp phần hoàn thành một số chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, một vấn đề nổi lên trong cấp nước hiện nay của tỉnh là có khoảng 45 công trình đã ngừng hoạt động. Đây chủ yếu là những công trình do một số ban, ngành, UBND huyện đầu tư xây dựng, giao cho địa phương quản lý, vận hành và có quy mô nhỏ. Số công trình do ngành Nông nghiệp trực tiếp đầu tư xây dựng, quản lý nhìn chung đều phát huy hiệu quả. Đến nay, đã có 5 huyện đề nghị ngành Nông nghiệp tiếp nhận lại các công trình và giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành.
Khi có Chương trình WB, tỉnh đã xem xét, chọn lọc và đưa 17 công trình vào kế hoạch đầu tư nâng cấp, sửa chữa, chuyển đổi mô hình quản lý. Bên cạnh đó, ngành đang nỗ lực tìm kiếm thêm các nguồn vốn khác như vốn ODA, vốn của Đan Mạch và các tổ chức phi chính phủ, đồng thời hằng năm đều báo cáo tham mưu cho UBND tỉnh bố trí vốn khắc phục những công trình hư hỏng, xuống cấp.
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc