Multimedia Đọc Báo in

Bệnh trầm cảm ở người trẻ tuổi – Nguyên nhân và cách phòng tránh

14:52, 16/05/2011
Trầm cảm là căn bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phần lớn rơi vào nhóm người trẻ tuổi, kể cả trẻ nhỏ. Đây là dạng bệnh rối loạn tâm thần, thường thấy như cảm giác buồn sâu sắc, có thể xảy ra sau chuyện buồn hay do các sự cố không vui nhưng mức buồn và thời gian lại kéo dài quá mức, không tương ứng với sự cố.

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo bệnh trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng, chiếm khoảng 4% dân số và là căn bệnh để lại nhiều hậu quả xấu cho xã hội, tỷ lệ quyên sinh do trầm cảm lên đến 20- 30%. Thời đại bùng nổ thông tin, do áp lực học tập lớn nên bệnh có đất để phát triển, nhất là ở lứa tuổi học đường. Có ba dạng bệnh trầm cảm thường gặp là trầm cảm nhẹ, mức trung bình và trầm cảm nặng. Ở dạng nặng  người trong cuộc cảm thấy bất lực và có những suy nghĩ tiêu cực.

1. Các triệu chứng
• Cảm thấy tuyệt vọng hoặc bất lực về mọi vấn đề
• Khóc nhiều
• Không hài lòng đối với hầu hết những điều diễn ra trong ngày
• Thiếu tự trọng và không muốn tiếp xúc bạn bè, gia đình hay xã hội
• Khó khăn về giấc ngủ
• Mệt mỏi và thiếu năng lượng
• Khó tập trung
• Mất sự tự tin
• Thay đổi thói quen ăn uống
• Đau nhức không rõ lý do
• Suy nghĩ về cái chết hoặc có ý nghĩ tự tử

2. Nguyên nhân • Gia đình gặp rắc rối, cha mẹ chia tay
• Sự ra đi đột ngột của người thân, bạn bè
• Bị lạm dụng thể xác, tinh thần, bị bắt nạt, bị bỏ rơi
• Ốm yếu lâu ngày hay bệnh tật nghiêm trọng
• Các vấn đề có liên quan đến học hành, công việc
• Những thay đổi đột xuất trong cuộc sống như chuyển nhà, chuyển nơi ở
• Gặp rắc rối về mối quan hệ tình bạn
• Lạm dụng rượu bia, chất kích thích
• Trầm cảm còn do yếu tố di truyền, nếu cha mẹ mắc bệnh thì con cái cũng dễ mắc bệnh, theo đó bé gái thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn bé trai, nhưng càng lớn tỷ lệ này đảo ngược lại. Nó liên quan mật thiết đến những thay đổi về hoạt hóa não bộ. Những thay đổi một số hóa chất được xem là thủ phạm làm thay đổi tâm tính con người và dẫn đến trầm cảm.

3. Chẩn đoán và chữa trị- Nếu có biểu hiện chán nản thì nên tìm sự giúp đỡ y tế sớm. Bác sĩ có thể khuyến cáo làm một số phép thử test để kiểm tra tâm lý và thể chất. Phần lớn những người trẻ tuổi mắc bệnh thường tự phục hồi, nhưng ở thể nặng, cần đưa khám bác sĩ tâm thần để tìm hiểu rõ mức độ mắc bệnh
- Việc điều trị bệnh trầm cảm ở nhóm người trẻ tuổi phụ thuộc vào mức độ mắc bệnh, nếu nhẹ có thể nên áp dụng liệu pháp tăng cường luyện tập thể thao, như đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, hoặc tư vấn bác sĩ để áp dụng chương trình tập luyện phù hợp. Kết hợp áp dụng chế độ ăn uống khỏe mạnh cân bằng, đặc biệt là đủ dưỡng chất, tránh xa thực phẩm thiếu an toàn, ô nhiễm, nhất là ô nhiễm thủy ngân.
- Áp dụng phương pháp điều trị, có tên là tâm lý trị liệu nhận thức và hành động (cognitive behavioral therapy), tâm lý trị liệu nâng đỡ (supportive therapy) để giúp người bị trầm cảm đi qua những cơn khủng hoảng tinh thần và giúp họ hội nhập vào gia đình và xã hội. Áp dụng kỹ thuật gia đình trị liệu, trong đó cha mẹ, người thân, bạn bè sẽ cùng tham gia giúp người bệnh khắc phục các vấn đề liên quan đến suy nghĩ và hành vi mà bản thân đang mắc phải.
- Dùng thuốc: Thuốc chống trầm cảm chỉ dùng cho nhóm bị bệnh nặng theo đơn của bác sĩ. Loại thuốc thường dùng là fluoxetine (Prozac). Khi dùng thuốc, bác sĩ cũng thông báo cho người bệnh biết các tác dụng phụ của thuốc. Ví dụ như  dùng sertraline hoặc citalopram hoặc dùng paroxetin và venlafaxine  có thể làm tăng ý nghĩ tiêu cực, nhất là ý định quyên sinh
- Điều trị tại bệnh viện: Nếu đã áp dụng các phương pháp thông thường không mang lại kết quả, bệnh nặng thì nhất thiết phải đưa người bệnh vào điều trị trong bệnh viện, tại đây người bệnh sẽ được theo dõi và điều trị tốt hơn.
- Cuối cùng nên nhớ, bệnh trầm cảm không phải lúc nào cũng phải được điều trị bằng thuốc nên có thể thay đổi cuộc sống và lối suy nghĩ để tránh làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Nên tìm cách giảm căng thẳng (stress), ví dụ như giảm bớt công việc, làm ít giờ hơn, có nhiều thời gian sinh hoạt với gia đình, tiếp xúc cộng đồng. Nếu là sinh viên thì giảm số giờ học, tăng thời gian nghỉ ngơi và ăn ngủ điều độ, hạn chế cuộc sống tĩnh tại, vận động nhiều giúp tăng sức khỏe tế bào thần kinh, giúp thể chất và tinh thần khỏe mạnh.

Khắc Nam (Theo SD-4/2011)

                    


Ý kiến bạn đọc