Multimedia Đọc Báo in

Cà rốt chữa nhiều bệnh

05:23, 10/12/2012

Cà rốt  có tên khoa học là Dacus carota, là loại cây thảo sống khoảng 2 năm, lá cắt thành bản hẹp, hoa tập hợp thành tán kép; trong mỗi tán, hoa ở chính giữa thì không sinh sản và màu tía, còn các hoa sinh sản ở chung quanh thì màu trắng hay hồng.

Theo các nhà dinh dưỡng, cà rốt vừa là thức ăn ngon, bổ vừa là dược thảo tốt để phòng và chữa nhiều bệnh cũng như tăng cường khả năng tình dục. Cà rốt được ví như nhân sâm của người nghèo do cà rốt giá rẻ lại có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh rất tốt. Trong 100g ăn được của cà rốt, theo tỷ lệ % có: nước 88,5; protid 1,5; glucid 8,8; cellulose 1,2; chất tro 0,8. Muối khoáng có trong Cà rốt như kalium, calcium, sắt, phosphor, đồng, bor, brom, mangan, magnesium, molipden... Đường trong cà rốt chủ yếu là đường đơn (như fructose, glucose) chiếm tới 50% tổng lượng đường có trong củ, là loại đường dễ bị oxy hóa dưới tác dụng của các enzym trong cơ thể; các loại đường như levulose và dextrose được hấp thụ trực tiếp. Trong cà rốt có rất nhiều vitamin C, D, E và các vitamin nhóm B; ngoài ra, nó còn chứa nhiều chất caroten, sau khi vào cơ thể, chất này sẽ chuyển hóa dần thành vitamin A.

Theo Đông y, củ cà rốt vị ngọt cay, tính hơi ấm, không độc, có tác dụng hạ khí bổ trung, yên ngũ tạng, tăng tiêu hóa, làm khoan khoái trong bụng. Hạt có vị đắng cay, tính bình, có tác dụng sát trùng, tiêu tích. Cà rốt có các tính chất: bổ, tiếp thêm chất khoáng, trị thiếu máu (nó làm tăng lượng hồng cầu và huyết cầu tố) làm tăng sự miễn dịch tự nhiên, là yếu tố sinh trưởng kích thích sự tiết sữa, làm cho các mô và da trẻ lại. Nó còn giúp điều hòa ruột (chống ỉa chảy và đồng thời nhuận tràng), chống thối và hàn vết thương ở ruột, lọc máu, làm loãng mật, trị ho, lợi tiểu, trị giun và hàn liền sẹo, dùng chữa các chứng suy dinh dưỡng, tả lỵ lâu ngày… Đặc biệt, chất Beta carotene có tác dụng chống ung thư trong thời kỳ sơ khởi. Beta carotene là chất chống oxi hóa, ngăn chặn tác động của gốc tự do, do đó có thể giảm nguy cơ gây ung thư phổi, nhiếp hộ tuyến, tụy tạng, vú và nhiều loại ung thư khác.

Các bà nội trợ thường sử dụng cà rốt dưới dạng tươi để ăn sống (làm nộm, trộn dầu giấm), xào, nấu canh, hầm thịt. Hoặc dùng cà rốt ép lấy dịch, phối hợp với các loại rau quả khác làm nước giải khát, hoặc nước dinh dưỡng. Nước này có thể trị ho, bệnh về đường hô hấp, hen, khản tiếng; nấu súp cho trẻ em bị ỉa chảy ăn thay sữa. Ngoài ra, theo các thầy thuốc, ăn cà rốt thường xuyên sẽ chữa tốt chứng suy giảm khả năng tình dục.

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh của củ cà rốt:

-Chữa mệt mỏi: Nước ép cà rốt (200g) với táo (200g), nước cốt chanh (20mg) và mật ong (15mg), uống vào mệt mỏi sẽ tiêu tan.

- Chữa cao huyết áp: Cà rốt ép lấy nước, uống sống ngày 2 lần, mỗi lần 90-100 ml. Cũng có thể ăn mỗi ngày vài củ cà rốt sống.

- Chữa ho gà: Nấu cà rốt (200g), táo tàu (12 quả), nước (1.500 ml), hòa thêm chút đường phèn vào cho dễ uống, chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi liệu trình kéo dài 10 ngày; cà rốt (500g) ép lấy nước, thêm chút đường phèn rồi hấp nóng lên, uống 2-3 lần trong ngày.

- Chữa quáng gà, sáng mắt: Cà rốt thái lát, hấp chín, ăn ngày 2-3 củ, ăn liên tục trong một số ngày sẽ có hiệu quả.

-Chữa ỉa chảy trẻ em: Dùng bột cà rốt khô (50g) hoặc cà rốt tươi (500g), nước 1 lít, nấu thành súp. Những ngày đầu bị ỉa chảy, mỗi ngày ăn 100-150ml trên 1kg cân nặng, ăn làm 6 bữa (nếu truyền hoặc uống nước thì bớt lượng súp cà rốt tương ứng); những ngày sau cho ăn kèm với sữa mẹ, trọng lượng súp cà rốt giảm dần.

-Chữa sau khi ốm kém ăn, uể oải, suy yếu: Cà rốt khô, thái mỏng, tẩm mật sao (30g), cây vú bò thái miếng phơi khô, tẩm mật sao, hoài sơn sao (mỗi vị 24g), mạch môn chẻ đôi bỏ lõi sao, ngưu tất, thổ tam thất (mỗi vị 12g), sắc uống.

- Chữa thận yếu, dương suy, lạnh dạ dày: Thường xuyên nấu cà rốt với thịt chó hoặc thịt thỏ, ăn vào buổi tối.

- Chữa sán: Bột cà rốt (12-18g) dùng trong 1 ngày.

- Chữa tiêu hóa kém, kiết lỵ lâu ngày: Cà rốt (100g), táo tàu (10 quả), gạo tẻ (50g) nấu cháo ăn hằng ngày.

- Viêm thận cấp: Cà rốt (200g), rửa sạch, thái nhỏ, thêm một ít gạo vào nấu cháo ăn.

- Chữa trẻ nhỏ lên sởi: Cà rốt, củ năn (mỗi thứ 150-200g), rau mùi (100g), sắc lấy nước uống có tác dụng thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm sinh tân, dùng để điều trị hỗ trợ bệnh sởi trong thời kỳ cuối (uống nhiều lần trong ngày).

- Chữa đại tiện táo bón: Cà rốt (500g) ép lấy nước, pha thêm chút mật ong, chia làm 2 lần uống (sáng và tối).

DS. Mỹ Nữ


Ý kiến bạn đọc