Multimedia Đọc Báo in

"Giữ lửa" cho vùng biên

09:58, 10/03/2017

Bám sát cơ sở, thực hiện 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con), cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã và đang “giữ lửa”, vun đắp, gắn kết tình quân dân trên địa bàn vùng biên Tổ quốc.

Sâu sát, gần gũi với bà con

 Tình cờ thấy nài voi Y Lit Ksơr, buôn Ea Mar (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) đi đôi dép đã mòn rách, Đại úy Phan Văn Lâm (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sêrêpốk) liền mang đôi dép mới tinh tới nhà tặng. Chẳng đáng là bao, nhưng cầm món quà trên tay, anh Y Lit Ksơr rưng rưng xúc động… Những năm tháng về làm công tác địa bàn tại xã Krông Na, anh Lâm đã chạm đến trái tim bà con bằng những việc làm tương tự như thế.

Từng công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, năm 2004, anh được điều động vào Đắk Lắk nhận nhiệm vụ. Trên vùng đất mới, được đồng đội tạo điều kiện làm việc, lại thường xuyên gặp gỡ với những người con Tây Nguyên chân chất, thật thà càng khiến anh thêm gắn bó, yêu mến quê hương thứ 2 này.

 Khắc phục mọi khó khăn, từ ngày tham gia Đội vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Ea H’leo), bằng sự chân thành, nhẫn nại, lại có chất giọng ấm áp, nên anh Phan Văn Lâm được hầu hết bà con xã Ya Lốp (huyện Ea Súp) quý mến. Đến nay, dù đã chuyển địa bàn công tác, nhưng trong ký ức của bà con Ya Lốp vẫn luôn lưu giữ hình ảnh anh Lâm cùng đồng đội lội ruộng gieo sạ, gặt hái mùa màng, san lấp mặt bằng... 

Công tác tại địa bàn xã Krông Na, nơi có trên 75% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, anh đến tận nhà, nhờ bà con dạy tiếng Êđê, cùng ăn bữa cơm, uống rượu cần, cùng trò chuyện tâm tình, cởi mở. Với sự gần gũi, hòa đồng đó, anh đã góp phần cùng đồng đội gắn kết tình quân – dân, đặc biệt là tạo mạng lưới thông tin để nắm rõ hơn mọi tình hình địa bàn phụ trách.

Đại úy Đỗ Văn Diện (Phòng khám quân – dân y kết hợp) khám bệnh miễn phí cho người dân.
Đại úy Đỗ Văn Diện (Phòng khám quân – dân y kết hợp) khám bệnh miễn phí cho người dân.

Năm 2015, Đồn Biên phòng Sêrêpốk được giao việc xóa mù chữ cho trẻ em buôn Drang Phốk (xã Krông Na). Anh cùng đồng đội đã không quản ngày, đêm, mưa, nắng, đến từng nhà vận động, thậm chí đưa đón các em tới trường. Nhờ sự kiên nhẫn, chịu khó trong chuỗi tháng ngày liên tục của các anh mà rất nhiều học sinh mù chữ vùng khó đã biết đọc, viết. 

Ngày anh xa quê nhà, vợ vừa sinh đứa con đầu lòng được 1 tháng tuổi, hiện cháu Phan Thùy Dương đã lên 13, và có thêm em trai Phan Chí Kiên 7 tuổi. Khoảng cách địa lý quá xa, nên mỗi năm anh chỉ về thăm nhà được 1 – 2 lần. Nhiều khi bố mẹ, vợ con ốm đau, bệnh tật, nhưng vì nhiệm vụ nên anh vẫn phải bám trụ địa bàn. Anh tâm sự: “Nếu không có hậu phương vững chắc, tôi khó mà hoàn thành tốt công việc được giao”.

Thầy thuốc của buôn làng

Với người dân xã Ia R’vê (huyện Ea Súp), Y sĩ - Đại úy Đỗ Văn Diện (Phòng khám quân – dân y kết hợp) như người thân ruột thịt, là thầy thuốc “đặc biệt” của bà con buôn làng.

Năm 2014, Phòng khám quân – dân y kết hợp được thành lập, cũng là ngần ấy thời gian anh gắn bó, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở nơi này. Ngoài khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con, anh còn tranh thủ thời gian xuống từng nhà nắm tình hình, vừa tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh. 

Không chỉ am hiểu về thuốc Tây, anh và đồng đội còn trồng một vườn thuốc Nam để kịp thời chữa trị các bệnh thông dụng cho bà con. Nhờ chuyên môn vững vàng nên dần dần anh được người dân tín nhiệm, tin tưởng. Nhớ có hôm mưa gió, nửa đêm anh đang say giấc bỗng nghe tiếng gõ cửa gấp gáp, thấy người dân bị tai nạn rất nặng, anh nhanh chóng sơ cứu, khâu rửa vết thương, tỉ mẩn lo thuốc men cho người bệnh. Lại có những trường hợp người bệnh không thể di chuyển, dù đêm khuya, anh lập tức đến tận nhà thăm khám, sơ cứu, rồi giúp gia đình liên hệ xe cấp cứu huyện vào…

Anh mong mỏi Phòng khám sẽ được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, dụng cụ khám bệnh và nhiều loại thuốc hơn để các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Mới đây, được cử đi đào tạo lớp hộ sinh, anh chân thành: “Được góp phần giúp đỡ bà con vùng biên mạnh khỏe, tôi không nề hà bất cứ việc gì”.

Người “vác tù và hàng tổng”

 Gần 16 năm gắn bó với biên cương, từng trải qua nhiều nhiệm vụ, đơn vị, Thượng úy Thái Công Anh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Ea H’leo) luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với anh, thời gian gắn bó với công tác vận động quần chúng (bắt đầu từ năm 2015) tuy chưa dài, nhưng công việc giúp anh cảm nhận đầy đủ hơn tình cảm quân dân trong thời bình. 

Đặc thù của xã vùng biên Ya Lốp (huyện Ea Súp) là địa bàn rộng, đất đai cằn cỗi, nhiều trục đường đất lởm chởm ổ voi, ổ gà; xã có khoảng 88% hộ nghèo, trình độ dân trí còn khá thấp. Nhằm gần hơn với bà con, hằng tuần, Đội của anh đều tổ chức ít nhất 2-4 ngày công giúp dân phát triển kinh tế, thu hoạch mùa màng; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước bằng nhiều hình thức sinh động, dễ hiểu.

Đơn cử, nắm được thông tin một số gia đình sử dụng súng tự chế để săn bắt động vật rừng, anh cùng đồng đội xuống tận nhà, cùng nhâm nhi ly trà đắng, thủ thỉ chuyện trò, rồi dần dần thuyết phục, vận động và họ đều chấp hành giao nộp.

Lập gia đình năm 2008, hai vợ chồng anh định cư ở xã Ea Rốk (huyện Ea Súp). Tiếng là gần nhà, nhưng mải “vác tù và hàng tổng” nên có khi cả tháng, anh mới có dịp đảo qua nhà, thăm vợ con. Nhiều hôm đang bữa cơm với cả nhà, nhưng bà con Ya Lốp gọi nhờ thu hoạch mùa màng, hay đứng ra phân xử đúng sai… là anh lại tức tốc lên đường.

Tâm sự về công việc của mình, anh cười tươi: Với những người làm công tác vận động quần chúng như chúng tôi, chẳng gì tuyệt vời hơn khi được bà con tin tưởng, quý mến! 

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc