Multimedia Đọc Báo in

"Chiến binh" đặc biệt nơi biên giới

08:02, 05/06/2017

Những chiến công của Bộ đội Biên phòng tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ được giao có một phần đóng góp không nhỏ của những “chiến binh” đặc biệt – chó nghiệp vụ.

“Học trò” đặc biệt

Như mọi ngày, các huấn luyện viên (HLV) của Đội cảnh khuyển (Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động) dẫn “học trò” ra thao trường. Quá thuần thục các bài huấn luyện cơ bản: nằm, đứng, bò, đi… nên chúng thực hiện rất tốt mỗi khi có hiệu lệnh. Chỉ riêng chú chó Rép Pơ, do mới tăng cường về đơn vị, chưa quen khí hậu thời tiết nên tỏ ra bất hợp tác. Bắt gặp cái nhìn nghiêm khắc từ HLV kèm những câu động viên, Rép Pơ nhanh chóng thực thi mệnh lệnh.

Để trở thành “mũi tên thép” của Bộ đội Biên phòng, chó nghiệp vụ được huấn luyện khá nghiêm ngặt tại Trường Trung cấp 24 Biên phòng. Giống chó được nhà trường nhập khẩu từ nước Đức. Trong số hàng trăm con chó con, chỉ chọn lại được rất ít con có đủ tiêu chuẩn: chiều cao, cân nặng, thể lực… để tham gia đào tạo theo phân khoa: chiến đấu, ma túy, cứu hộ cứu nạn… Mỗi học viên được phân công 1 chú chó, cả hai cùng “tốt nghiệp” sau 24 tháng rèn giũa, học tập. Tuy khẩu lệnh của tất cả HLV giống nhau, nhưng chó nghiệp vụ chỉ nhận lệnh duy nhất từ người “thầy” của mình.

Các
Các "chiến binh" thực hành động tác huấn luyện cơ bản theo hướng dẫn của chỉ huy.

Với một chú chó bình thường, huấn luyện cơ bản đã khó, nhưng chó nghiệp vụ còn phải huấn luyện chuyên ngành: tuần tra biên giới, truy vết, phục kích… Phải mất ít nhất 2 tháng, “học trò” mới thành thạo các mệnh lệnh của chỉ huy. Khó nhất phải kể đến chuyên ngành truy vết, chó nghiệp vụ tham gia nhiệm vụ không chỉ có khứu giác tốt, mà còn phải có tính kỷ luật nghiêm, tuân thủ răm rắp mọi khẩu lệnh của chỉ huy. Còn với chuyên ngành phục kích, chúng phải nằm yên tại chỗ, không được phát ra tiếng động, thậm chí thấy đối tượng nghi vấn, nhưng chưa có lệnh của HLV, cũng không được hành động…

 
“Chó nghiệp vụ được chúng tôi nâng niu, quý trọng, quan tâm như người bạn tri kỷ. Sau khi chết, chúng đều được làm thủ tục giấy tờ, tổ chức lễ truy điệu và chôn cất cẩn thận” - 
 
Trung úy Nông Hữu Hà, Đội trưởng Đội cảnh khuyển

Huấn luyện “chiến binh” đặc biệt không hề dễ dàng, chính vì vậy, HLV phải luôn thân thiết, sẻ chia, yêu thương và coi chúng như những người bạn thực sự. Hằng tuần, chúng đều được rèn luyện, sinh hoạt theo lịch trình, ngay cả khẩu phần ăn cũng vậy, phải bảo đảm theo tiêu chuẩn đề ra, thực đơn phong phú mỗi ngày.

Tâm tình của “thầy” và “trò”

So với đồng đội tại Tiểu đoàn, Trung úy Nông Hữu Hà, Đội trưởng Đội cảnh khuyển có thâm niên và kinh nghiệm trong nghề huấn luyện chó nghiệp vụ ít ai sánh kịp. Anh tâm sự, để thực hiện tốt nhiệm vụ, không chỉ “học trò” mà cả HLV phải tinh thông, nhanh nhạy trong mọi tình huống. Chẳng hạn, trong hoàn cảnh nguy hiểm nào đó, nếu HLV xử lý chưa tốt, tính mạng của cả 2 đều có thể bị đe dọa…

Để hiểu và rèn giũa được các “học trò” khó tính, HLV chăm sóc chúng còn hơn chăm con mọn. Thiếu úy Nguyễn Tuấn Nhật chia sẻ: Do mới được tăng cường vào Đắk Lắk, nên Rép Pơ bị ảnh hưởng sức khỏe, thường xuyên chảy máu cam. Biết “học trò” ốm, anh túc trực chăm sóc, kiểm tra bệnh, động viên Rép Pơ ăn uống. Nhiều đêm mưa gió, sợ các “học trò” bị ảnh hưởng, anh Nhật và đồng đội choàng dậy, cả đêm lo kiểm tra chuồng trại, nơi ngủ nghỉ của “trò” thật cẩn thận.

Khó nhọc, vất vả không sao kể hết, nhưng những chiến công gặt hái được khiến các HLV thêm yêu và trân trọng nghề. Cách đây ít tháng, HLV Lê Đức Chí Tuấn và “học trò” Víc Mơ đã tìm thấy một chiến sĩ chăn bò (Đồn Biên phòng Bo Heng) sau 2 đêm bị lạc giữa rừng. Hay như tại diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2016, 4 thầy và “trò” tham gia diễn tập thực binh thực hành kế hoạch A3 được đánh giá cao. Đặc biệt, trong tuần tra bảo vệ biên giới, chó nghiệp vụ luôn là “mũi tên thép”, không ít vụ việc, chúng đã giúp bộ đội biên phòng phát hiện những nguồn hơi lạ, tình huống xấu để kịp thời xử lý…     

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc