Multimedia Đọc Báo in

Khu di tích Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc

09:38, 09/03/2013

Khu di tích lịch sử - văn hóa cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, nằm cạnh chùa Hòa Long (khóm 3, phường 4) cách trung tâm TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) 1 km trên đường ra bến phà Cao Lãnh. Đây là nơi an nghỉ của một nhà nho yêu nước, người thầy thuốc thương dân; người đã sinh thành, dưỡng dục cho Tổ quốc ta một lãnh tụ kiệt xuất: Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Khu di tích Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc
Khu di tích Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Khu di tích lịch sử - văn hóa Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc có diện tích 36.000 m2. trong khuôn viên mộ là một hồ sen kiến trúc theo hình ngôi sao năm cánh. Chính giữa hồ được thiết kế một đài sen cách điệu biểu tượng cho một đời thanh cao trong sạch của Cụ. Vào trong là một đỉnh trầm ngày đêm khói hương thơm ngát, cấu tạo bằng đá ngũ hành sơn, phía trong cùng là ngôi mộ bằng đá hoa cương. Bên trên vòm mộ được phủ một cánh sen úp xuống để che nắng, che mưa. Trên cánh sen này tạc hình chín đầu rồng biểu tượng cho dân tộc Việt Nam là con rồng cháu tiên (truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu cơ) và còn là biểu tượng cho đồng bào vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ngày đêm che chở bảo vệ Cụ. Đặc biệt là hình ảnh cánh sen biểu tượng cho Tháp Mười, một sắc thái riêng của nhân dân Đồng Tháp.

Cạnh đấy, một ngôi nhà truyền thống được dựng lên, bên trong có những dấu ấn về cuộc đời hoạt động của Cụ Phó Bảng với nhiều ảnh tư liệu mang tính khoa học và những chi tiết đầy đủ về lý lịch và gia đình Cụ. Nhất là căn cứ “Nhất triều đăng khoa lục” xác định rõ Cụ Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy) sinh năm Nhâm Tuất 1862 tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An… Cụ đỗ Phó Bảng năm Thành Thái thứ 16.

Năm 1906 bị buộc ra làm quan chức Thừa Biện Bộ Lễ, rồi Tri huyện Bình Khê (Bình Định), vì tìm mọi cách để giúp đỡ dân, thả những người vì thiếu thuế, chống thuế bị tù và trừng trị bọn cường hào nên Cụ bị cách chức vào năm 1910.

Năm 1917 và nhiều năm sau Cụ thường lui tới hoạt động ở Cao Lãnh. Năm 1927, Cụ về Cao Lãnh tiếp tục truyền bá chủ nghĩa yêu nước. Cụ mất vào ngày 27-10 năm Kỷ Tỵ (26-11-1929) trong niềm tiếc thương của nhân dân Hòa An, Cao Lãnh. Lúc đầu mộ Cụ làm bằng đất, đổ núm xi măng, đến năm 1954 trước khi bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc đã xây lại ngôi mộ bằng gạch, có trụ xi măng và lan can sắt bao quanh. Trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp – Mỹ, nhân dân nơi đây đã anh dũng mưu trí bảo vệ ngôi mộ Cụ bằng mọi cách, kiên quyết không cho địch phá hoại. Vào những ngày lễ lớn, Tết cổ truyền...  nhân dân vẫn tìm cách đến làm sạch cỏ, sơn quét vôi… Nhà chùa bảo vệ, nhân dân bảo vệ, người người bảo vệ, bất chấp sự luân phiên theo dõi suốt ngày đêm, canh gác và ngăn chặn của giặc.

Sau ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975), lòng dân ý Đảng quyết tâm xây dựng lại ngôi mộ Cụ khang trang hơn. Công trình khởi công vào ngày 22-8-1975 đến ngày 13-2-1977 tổ chức khánh thành trong niềm hân hoan của nhân dân địa phương nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Hiện nay trong khuôn viên khu di tích còn có cả ngôi nhà sàn giống như ngôi nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội do kiến trúc sư đến tận nơi nghiên cứu, thiết kế đồ án theo đúng kích cỡ để nhắc nhở mọi người (khách đến tham quan bình quân hơn 600.000 lượt người mỗi năm, có cả khách nước ngoài) và thế hệ con cháu mai sau luôn nhớ mãi về vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước, có một cuộc sống giản dị, bình thường, cả đời hy sinh cho dân tộc, cho Tổ quốc.

Nơi đây còn là một địa chỉ sinh hoạt giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Các cơ quan đơn vị, đoàn thể, học sinh… trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp thường tổ chức viếng mộ Cụ Phó Bảng vào những ngày hội, lễ và Tết cổ truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: hành hương về nguồn, du khảo, sinh hoạt, kể chuyện truyền thống, kết nạp Đảng, Đoàn, Đội… và hằng năm vào ngày 27-10 âm lịch người dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các nơi tụ hội về đây cùng nhân dân địa phương tổ chức lễ giỗ Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc trong không khí trang nghiêm và trọng thể.

Ngọc Đa


Ý kiến bạn đọc