Multimedia Đọc Báo in

Hoàn cảnh khó khăn của một cựu thanh niên xung phong cần giúp đỡ

11:16, 18/08/2014
Hoàn cảnh của bà Bùi Thị Tới (SN 1950) ở liên gia 7, tổ dân phố 9, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột), đang rất khó khăn, cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.

Bà Tới quê ở xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa), tham gia thanh niên xung phong từ năm 1967 tại đơn vị C3 F864, hoạt động ở vùng biên giới Việt-Lào. Năm 1984 bà Tới kết hôn với ông Dương Văn Quý (SN 1944) cũng là cựu quân nhân, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1965 tại đơn vị C12 D6 E95 F325B. Do cuộc sống ở quê nhà nghèo khó nên năm 1992, hai vợ chồng bà Tới quyết định bán hết nhà cửa ruộng vườn vào Dak Lak lập nghiệp. Vì không có tiền mua nhà nên vợ chồng bà xin ở nhờ một hộ dân tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, hằng ngày đi làm thuê làm mướn mưu sinh và nuôi hai con ăn học. Đến năm 1994, gia đình bà Tới được UBND phường cho dựng tạm căn nhà trên nền đất bỏ trống của Xí nghiệp Xây dựng - Sửa chữa máy móc, tại liên gia 7, tổ dân phố 9. Nhiều năm qua, cuộc sống của gia đình bà Tới vẫn chủ yếu phụ thuộc vào việc làm thuê, làm mướn. Trong khi đó, bà Tới thì thường bị chứng tê liệt nửa người, đau đầu kinh niên, còn ông Quý thì bị mất sức lao động, không làm được việc nặng.

Hàng ngày cựu thanh niên xung phong Bùi Thị Tới  vẫn sống hiu quạnh bên căn nhà tạm xiêu vẹo này.
Hàng ngày cựu thanh niên xung phong Bùi Thị Tới vẫn sống hiu quạnh bên căn nhà tạm xiêu vẹo này.

Ông Quý đã mất vào đầu tháng 7 vừa qua. Giờ đây, trong căn nhà xập xệ chưa đầy 15m2 được ghép tạm bợ bằng những mảnh ván cũ nát, bà Tới đang sống một mình. Hai người con bà do không có đủ điều kiện đến trường nên đã sớm nghỉ học và đi làm thuê ở tỉnh xa có khi cả năm không về. Tuổi già không còn đủ sức làm mướn nữa, hằng ngày bà Tới ra chợ (cách nhà khoảng 1km) bán từng mớ rau trồng được ở khoảnh đất trống cạnh nhà, kiếm chút tiền rau cháo qua ngày. Nói đến hoàn cảnh của mình, bà Tới nghẹn ngào trong nước mắt: “Đã 22 năm vào Dak Lak lập nghiệp mà gia đình tôi vẫn không có đủ điều kiện mua nổi miếng đất để dựng nhà. Giờ đây đang phải ở trên đất mượn tạm, lúc nào phường lấy lại thì không biết sẽ ở đâu!”.

Ông Trương Công Tiền, Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong phường Khánh Xuân cho biết, hoàn cảnh của bà Bùi Thị Tới rất khó khăn. Khi chồng bà mất, gia đình không có tiền để lo ma chay. Người dân trên địa bàn đã cùng nhau quyên góp để giúp bà Tới lo hậu sự cho chồng. Bà Tới là cựu thanh niên xung phong, nhưng do một số giấy tờ liên quan bị thất lạc nên đến nay vẫn chưa giải quyết chế độ được. Hội cũng đã xem xét đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Tới, tuy nhiên, bà Tới vẫn chưa có đất ở cố định nên không biết xây ở đâu? Chi hội đã nhiều lần đề xuất lên UBND phường xem xét cấp đất cho trường hợp khó khăn của gia đình bà Tới nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.