Multimedia Đọc Báo in

Người bí thư chi bộ được nhân dân tin yêu

09:55, 27/10/2014
Là một cán bộ sĩ quan sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, cựu chiến binh Trần Kiên Cường cùng vợ con vào sinh sống, lập nghiệp ở thôn Tân Lập, xã Ea Yông (Krông Pak) đến nay đã được hơn 20 năm.
 
Với gần 70 năm tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng, trải qua nhiều chức danh công tác, ở cương vị nào ông cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện nay, trải qua 3 nhiệm kỳ làm Bí thư Chi bộ, tuy tuổi cao, sức yếu, ông vẫn được Chi bộ tín nhiệm, nhân dân yêu quý.

Năm 2014, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước xây dựng nông thôn mới, ông đưa ý kiến đề xuất ra Chi bộ, Mặt trận, ban tự quản và các đoàn thể thảo luận bàn bạc chọn phương án xây dựng đường giao thông nông thôn, với phương châm: bám sát dự án, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, tiết kiệm được chi phí, giảm được sự đóng góp của dân. Ông đã tham gia dự toán chi tiết từng hạng mục, đồng thời đệ trình lên xã, huyện xét duyệt thi công. Với tinh thần dân chủ, cách làm công khai, quyết định mức đóng góp tiền hợp lý, theo từng mức khác nhau phù hợp với từng đối tượng; thu đến đâu, tổ chức thi công ngay đến đấy… việc thi công làm đường giao thông nông thôn đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hội viên và người dân trong thôn. Ông chỉ đạo thi công thí điểm làm đoạn đường xương cá của thôn, có chiều dài 100 m, 2 bên có 60 hộ dân, mỗi hộ đóng 5 triệu đồng, còn lại chia theo mức đóng thêm theo mặt đường đi qua đất từng nhà (nhiều nhất là 8 triệu đồng). Thành công ban đầu đã hoàn thành với mặt đường bê-tông rộng 3,5 m, người dân ai cũng phấn khởi. Sau thành công bước đầu, nhiều người dân tin tưởng, tìm đến ông, đề nghị vận động mọi người đóng góp để xây dựng con đường trục giữa thôn. Đây là trục đường chính, dài gần 1.000 m, các loại xe đi lại nhiều, nhất là vào mùa mưa thường xuyên bị lầy lội. Lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, tính toán những thuận lợi, khó khăn, việc phải giải tỏa hai bên đường... ông lại tổ chức họp Chi bộ, họp các đoàn thể và nhân dân bàn bạc, thống nhất; trong đó đặc biệt hỏi ý kiến các cụ già, các CCB cao tuổi và gần 40 đảng viên đang sinh hoạt Đảng nơi cư trú để cùng tham gia, bàn bạc, tạo sự đồng thuận và vận động các gia đình gương mẫu, đi đầu. Công việc đang trôi chảy thì điều rủi ro đột nhiên ập đến, ông bị tai biến, phải đi cấp cứu. Thật may, ông chỉ bị nhẹ, sau thời gian điều trị tại bệnh viện, về nhà ông xin nghỉ làm Bí thư Chi bộ. Bà con trong thôn biết tin, trực tiếp gặp lãnh đạo Đảng, chính quyền đề nghị để ông tiếp tục làm việc và tổ chức làm đường cho bà con. Họ đến nhà thăm hỏi, vận động, với bao lời gửi gắm, trao đổi chân tình: “Ông cứ việc chỉ đạo, công việc làm cụ thể cứ để chúng tôi lo…”.

Không phụ lòng tin của mọi người, ông lại gánh vác trách nhiệm, tâm huyết với việc làm các con đường trong thôn. Từ việc rút kinh nghiệm kết quả của con đường đã làm đợt trước, ông tính toán, cắt bỏ những lãng phí không cần thiết, tiết kiệm được vật liệu, giảm sự đóng góp của dân, tiếp tục làm dự toán đệ trình kế hoạch lên trên, họp toàn dân và được mọi người đồng tình, nhất trí cao với mức đóng góp bình quân từ 5-6 triệu đồng/hộ, có hộ mặt đường dài góp tới 10-12 triệu đồng. Với quyết tâm hoàn thành con đường trước mùa mưa, ông đã phải tìm đến đại lý ký hợp đồng cát, đá, xi măng, thời hạn thanh toán sau 5-6 tháng. Để tạo lòng tin, ông đưa sổ đỏ của gia đình thế chấp với đại lý vật liệu. Thu được tiền đến đâu, ông tổ chức thi công kịp thời đến đó theo phương pháp cuốn chiếu. Trong khi thực hiện cũng đã xuất hiện khó khăn: Một số hộ mua đất mặt đường nhưng chưa đến làm nhà ở, ông Cường lại lặn lội đến trực tiếp chủ đất, xin địa chỉ, số điện thoại người mua (có hộ ở thị xã Buôn Hồ, có hộ ở huyện Krông Bông…) để thông báo, liên lạc vận động họ đóng góp. Nhận được thông tin tất cả các hộ trên đều đã tìm đến ông xin nộp đủ số tiền quy định của địa phương. Gần nửa tháng trời tâm huyết với việc làm đường, dù sức khỏe chưa ổn định nhưng ông chẳng quản khó khăn, bất chấp nắng, mưa, thường xuyên bám trụ mặt đường, kiểm, tra theo dõi việc thi công, lu lèn nền, nhào trộn từng mẻ bê tông. Cuối mỗi ngày ông cùng với Ban Thanh tra nhân dân cập nhật vào sổ sách các số liệu để công khai, báo cáo việc thu, chi cho người dân biết. Công trình được hoàn thành trọn vẹn, tiền nhân dân đóng góp vẫn còn dư, cả thôn tổ chức bữa cơm liên hoan ăn mừng. Được đi trên con đường mới, rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, ban đêm điện đường sáng trưng, trẻ em thì vui chơi, người già thì đi bộ thể dục, rèn luyện sức khỏe… mọi người ai cũng nói vui: “Đúng là con đường Kiên Cường!”.

Lê Anh Trân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.