Coi trọng công tác bảo đảm an toàn giao thông ngày mùa
Vào những ngày cuối năm, đặc biệt trong thời gian thu hái cà phê, mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến khiến trật tự an toàn giao thông (TTATGT) ở nông thôn diễn biến phức tạp, các vụ va chạm giao thông xảy ra nhiều hơn.
Phương tiện giao thông tăng mạnh trong vụ thu hái cà phê. |
Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 11, 12, Dak Lak lại bước vào vụ thu hái cà phê, lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên một số tuyến đường, đặc biệt là ở khu vực nông thôn tăng cao bất thường. Thời gian này, vào buổi sáng sớm hay lúc chiều muộn tình trạng những chiếc xe công nông chở đầy hàng hóa hoặc người ngồi “cheo leo” hai bên thành, phóng nhanh, vượt ẩu, không còi, không đèn… nối đuôi nhau chạy trên tỉnh lộ, quốc lộ, đặc biệt ở những tuyến đường giao thông nông thôn diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện còn kém. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT), trong số đó có nhiều vụ TNGT do xe công nông gây ra khiến dư luận xã hội bức xúc.
Xe công nông lưu thông trên Quốc lộ 14. |
Theo số liệu thông kê của lực lượng chức năng, 10 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 461 vụ TNGT, làm 230 người chết, 581 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2011, TNGT giảm 80 vụ (14,8%), 34 người chết (12,9%) và 28 người bị thương (4,6%). Trong đó, có 5 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 47 người chết, 47 người bị thương (tăng 4 vụ, 44 người chết, 47 người bị thương so với cùng kỳ năm 2011). Mặc dù so với các phương tiện giao thông khác, tỷ lệ các vụ tai nạn, va chạm giao thông do xe máy cày tay, xe công nông gây ra chỉ chiếm hơn 1%. Tuy nhiên, theo phân tích tình hình thực tế thì đây là loại phương tiện có nguy cơ tiềm ẩn TNGT khá cao bởi khi gặp tình huống bất ngờ người điều khiển phương tiện sẽ rất khó xử lý, nhiều phương tiện đã cũ kỹ, không bảo đảm an toàn… Theo quy định, phương tiện và người lái máy kéo nhỏ cũng phải chịu sự quản lý hành chính thông qua công tác đăng ký, đăng kiểm kỹ thuật, người lái phải học giấy phép lái xe hạng A4, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự... Tuy nhiên, tỷ lệ người điều khiển phương tiện này có bằng lái xe A4 chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Mặc dù Chính phủ đã có lệnh cấm xe công nông lưu hành trên quốc lộ, song trên thực tế thì xe công nông vẫn chưa bị lực lượng chức năng xử lý. Ông Bùi Trọng Hóa, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 46.000 xe máy cày tay, máy kéo nhỏ. Vào mùa thu hái cà phê, lượng phương tiện này tham gia giao thông khá nhiều, kể cả trên quốc lộ nên trật tự ATGT càng trở nên phức tạp. Xe công nông là phương tiện vận chuyển hàng hóa và đi lại chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa nên việc ngăn chặn và xử lý gặp nhiều khó khăn. Khi gặp trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng không xử phạt mà chỉ nhắc nhở. Vì vậy, để giảm thiểu những vụ TNGT liên quan đến xe công nông thì biện pháp hữu hiệu nhất là phải giáo dục ý thức của người dân, phải có sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác tuyên truyền để nhân dân không chở người trên xe công nông, không tham gia lưu thông trên quốc lộ”.
Nhằm hạn chế các vụ TNGT và va chạm giao thông xảy ra trong thời gian này, Ban ATGT tỉnh cùng các cấp, ngành và lực lượng chức năng đã và đang triển khai các biện pháp đồng bộ như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều hình thức; tăng cường công tác tuần tra lưu động, đột xuất…Với sự cố gắng của các cấp, các ngành và Ban ATGT các cấp, hy vọng công tác bảo đảm TTATGT sẽ có những chuyển biến tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT xảy ra trên địa bàn để người dân có một vụ mùa cà phê trọn niềm vui.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc