Những con số ấn tượng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2014 trên địa bàn tỉnh
7 năm liên tiếp kéo giảm TNGT: Đây được xem là con số ấn tượng nhất đối với công tác bảo đảm TTATGT ở tỉnh Dak Lak trong năm 2014. Nếu như năm 2007, TNGT nghiêm trọng xảy ra 402 vụ, làm chết 398 người và bị thương 367 người được xem là đỉnh điểm thì đến năm 2014 xảy ra 252 vụ, làm chết 258 người, bị thương 173 người. Nếu so sánh giữa 2 năm này với nhau thì ở tỉnh Dak Lak giảm được 140 người chết vì TNGT; đồng thời ghi nhận 7 năm liên tiếp kéo giảm được TNGT. Đây là một nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm TTATGT.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 26. Ảnh: T.H |
Gần 1,1 triệu phương tiện cơ giới: Đến hết năm 2014, tỉnh Dak Lak đã đăng ký và quản lý 1.082.668 phương tiện cơ giới (ôtô 32.439; môtô 973.736; 75.493 máy kéo). Con số trên cũng đánh dấu một cột mốc mới trong công tác quản lý phương tiện, nhưng đồng thời là một áp lực lớn đối với công tác bảo đảm TTATGT khi có gần 1,1 triệu phương tiện cơ giới đang lưu thông trên khắp các tuyến đường trong tỉnh; đó là chưa kể đến số phương tiện vãng lai từ các địa phương khác.
30.069 xe máy kéo được đăng ký: Năm 2014 cũng là năm ghi nhận những nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc đưa hoạt động của xe máy kéo (máy cày tay) vào khuôn khổ của pháp luật; trong đó có công tác đăng ký và quản lý xe máy cày của lực lượng Cảnh sát giao thông. Nhờ vậy ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người điều khiển và sử dụng xe máy kéo đã được nâng lên một bước. So với năm 2013, TNGT do người điều khiển xe máy kéo gây ra giảm 28,5 % về số vụ, 21,4 % về số người chết và 160 % về số người bị thương; TNGT liên quan đến xe máy cày tay giảm trên 50%.
Hơn 6.300 lượt người bị xử lý vi vi phạm về nồng đồ cồn: Việc xử lý mạnh tay với các “ma men” điều khiển phương tiện trên đường không chỉ thể hiện quyết tâm của lực lượng Cảnh sát giao thông trong việc thực hiện giải pháp trọng tâm đầu tiên tại Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ mà còn góp phần làm TNGT trên địa bàn tỉnh giảm cả ba mặt trong năm 2014. Được biết, Dak Lak cũng là một trong những địa phương có kết quả xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn cao so với các tỉnh, thành phố trong toàn quốc.
Hơn 66,7 tỷ đồng là tổng số tiền mà người vi phạm Luật Giao thông phải nộp vào Kho bạc nhà nước, tăng 7,2% so với năm 2013. Lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông đẩy mạnh xử lý một số chuyên đề như: vi phạm nồng độ cồn; chở quá tải; chạy quá tốc độ và đi lấn phần đường… mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT ở tỉnh Dak Lak.
Đình Thảo
Ý kiến bạn đọc