Multimedia Đọc Báo in

Cần giải quyết dứt điểm việc khiếu nại về công tác bồi thường thuộc Dự án Đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh

09:13, 04/12/2017

Báo Đắk Lắk nhận được đơn khiếu nại của bà H’Hên Niê cùng 8 hộ dân khác (trú tại buôn Alê B, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột).

Đơn khiếu nại với nội dung: Cũng như nhiều gia đình khác trong buôn Alê B, năm 2007, các hộ dân này được Nhà nước hỗ trợ cấp mỗi hộ một lô đất sản xuất (theo Chương trình 132, 134 của Chính phủ) tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột. Họ canh tác ổn định nhiều năm liền không xảy ra tranh chấp gì. Ngày 9-9-2016, các hộ dân này nhận được thông báo của UBND TP. Buôn Ma Thuột về việc thu hồi diện tích đất trên để thực hiện Dự án Đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh. Tháng 1-2017, nhiều hộ cùng có đất nằm trong dự án đã được chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, riêng 9 hộ dân này thì không. Việc này đã khiến cuộc sống họ bị xáo trộn, không yên tâm sản xuất và luôn trong tâm trạng thấp thỏm không biết khi nào bị giải tỏa.

Hiện nay, gia đình H’Hên Niê (ở buôn Alê B, phường Ea Tam) vẫn canh tác trên đất thuộc Dự án Đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh.
Hiện nay, gia đình H’Hên Niê (ở buôn Alê B, phường Ea Tam) vẫn canh tác trên đất thuộc Dự án Đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh.

Ông Đặng Văn Mỹ, Phó Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Năm 2008, UBND TP. Buôn Ma Thuột triển khai chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn để canh tác (theo Chương trình 132, 134 của Chính phủ). Căn cứ danh sách đề xuất của UBND phường Ea Tam thì có 80 hộ dân được cấp đất sản xuất tại phường Tân Lợi với diện tích 2.500 m2/hộ (tổng diện tích 20 ha). Tuy nhiên, UBND TP. Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ không ban hành quyết định giao đất cụ thể. Sau đó, UBND phường Ea Tam yêu cầu ban tự quản các buôn Alê A, Alê B, M’Duk và tổ dân phố 9 đưa người dân ra khu vực đất được giao để cắm cọc, phân lô và bà con tự nhận phần đất của mình nên có hộ nhận nhiều, hộ nhận ít.

Năm 2009, UBND tỉnh có quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất nói trên để bàn giao cho Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên triển khai thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh. Tuy nhiên, dự án chưa kịp thực hiện thì đến năm 2011 đã tạm hoãn. Cuối năm 2016, dự án này khởi động lại và đổi tên thành Dự án Đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh. Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên tiến hành khảo sát, đo đạc đất dự án và xác nhận có 97 hộ dân đang canh tác trên tổng diện tích 19,8 ha. Kết quả này đã gửi đến Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Buôn Ma Thuột để tham mưu trực tiếp cho UBND TP. Buôn Ma Thuột ra thông báo thu hồi đất của các hộ này.

Việc phối hợp giữa chủ đầu tư dự án, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất chưa chặt chẽ trong công tác nghiên cứu, thẩm tra xác định đất của dự án mà vội vàng tham mưu cho UBND TP. Buôn Ma Thuột ra thông báo thu hồi đã dẫn đến tình trạng khiếu nại của người dân.

Đến tháng 1-2017, được sự đồng ý của UBND tỉnh, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã căn cứ vào danh sách các hộ nhận đất do UBND phường Ea Tam cắm cọc bàn giao trước đó để thực hiện chi trả tiền bồi thường trên 116 tỷ đồng cho 79 hộ (còn 1 hộ do đang có sự tranh chấp trong gia đình nên chưa chi trả). Theo ông Mỹ, Dự án Đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh hiện có 17 hộ dân còn vướng mắc về công tác bồi thường đất, trong đó có 9 hộ làm đơn khiếu nại. Nguyên nhân là do trong thời gian Dự án Đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh tạm dừng (từ năm 2009-2016), một số hộ dân được cấp đất ở đây ngừng canh tác thì có 17 hộ dân khác đã tự ý vào xâm chiếm đất để sản xuất. Khi tiến hành khảo sát, đo đạc thực tế, Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên đã xác nhận có 97 hộ đang canh tác trên đất dự án.

Hiện nay, gia đình H’Riết Ayun (ở buôn Alê B, phường Ea Tam) vẫn canh tác trên đất thuộc Dự án Đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh.
Gia đình H’Riết Ayun (ở buôn Alê B, phường Ea Tam) vẫn canh tác trên đất thuộc Dự án Đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh.

Rõ ràng, nguyên nhân phát sinh khiếu nại là do trước đây, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã thiếu chặt chẽ trong triển khai cấp đất sản xuất theo Chương trình 132, 134 của Chính phủ. Khi UBND phường Ea Tam đề xuất danh sách các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu về đất sản xuất thì UBND TP. Buôn Ma Thuột đã không ban hành văn bản phê duyệt số hộ được nhận đất; không ban hành quyết định giao đất cụ thể và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người dân. Trước sự việc này, mong rằng các cấp, ngành chức năng sớm xác minh cụ thể, giải quyết dứt điểm những nội dung khiếu nại, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.