Một lần đến Ngã ba Đồng Lộc
Lần đầu tiên có dịp đặt chân đến Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) - địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại, gắn liền với tên tuổi 10 cô gái TNXP đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, tôi không khỏi bồi hồi xúc động.
Như còn vẹn nguyên đâu đây hình ảnh những nữ TNXP ngày đêm rà phá bom mìn, san lấp hố bom, bảo đảm lưu thông liên tục trên tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần “tim có thể ngừng đập nhưng đường thì không thể tắc”, Tiểu đội TNXP do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng liên tục bám đường kể cả những lúc bom đạn ác liệt nhất. Ngày 24-7-1968, như thường lệ tiểu đội đang chuẩn bị cho đợt vận tải hàng ra tiền tuyến thì bất ngờ máy bay Mỹ điên cuồng ném bom bắn phá, các chị chạy vào hầm trú ẩn, không may bom rơi trúng hầm và cả 10 chị đã anh dũng hy sinh…
Hình ảnh 10 nữ Anh hùng Liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc. |
Ngã ba Đồng Lộc nay trở thành khu di tích lịch sử, thu hút hàng trăm lượt du khách thập phương đến thăm viếng mỗi ngày. Bên cạnh Nhà bia tưởng niệm khắc tên 1.950 anh hùng TNXP toàn quốc và 165 anh hùng Liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc là khu mộ của 10 nữ anh hùng Liệt sĩ TNXP, từng phần mộ gắn ảnh và tên tuổi, địa chỉ quê quán các chị theo thứ tự “Tần - Xuân - Nhỏ - Cúc - Hường - Hà - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh”, khách đến viếng thăm đều thành kính đặt lên phần mộ những vật dụng đời thường gắn với các chị trước lúc hy sinh, đó là gương, lược, bồ kết. Đối diện với khu mộ, Nhà Truyền thống TNXP toàn quốc trưng bày rất nhiều hình ảnh và hiện vật tái hiện lại một thời hào hùng của dân tộc ta. Đó có thể là những hiện vật thu được tại chiến trường như mũ, quần áo, giày dép, sổ ghi chép… cũng có thể là những mô hình được tái hiện, phục chế mô phỏng cuộc sống, chiến đấu của TNXP trên mọi nẻo đường đất nước. Đặc biệt, còn lưu giữ bức thư của chị Võ Thị Tần viết thăm mẹ ngày 19-7-1968 (trước lúc chị hy sinh 5 ngày) mà khi đọc lên ai cũng rưng lệ: “Mẹ ơi! Chiều nay bọn con lại thắng thằng Mỹ một keo nữa. Con kể để mẹ mừng nhé! Trưa nay, hàng chục máy bay giặc kéo đến trút bom lên Ngã ba Đồng Lộc, với yêu cầu nhanh chóng thông đường, mặc dù trời còn sớm nhưng tất cả chúng con đều xông lên mặt đường để kịp thời cứu chữa. Trong thời gian chúng con làm, máy bay giặc có đến trinh sát, chúng tưởng đâu đường sá đã bị tan nát vì cơn mưa bom của chúng. Nhưng chúng có mắt cũng như mù, chính lúc đó là lúc đoạn đường đang được nối liền bằng cả tâm hồn và trí lực của chúng con. Trời xẩm tối, những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại lăn bánh trên đường ra tiền tuyến. Chúng con vui sướng vẫy chào những chiến sĩ lái xe anh dũng. Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước, mẹ chắc là lo cho chúng con lắm. Nhưng không mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng ném bom giết cá để chúng con cải thiện, bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển được trái tim của chúng con. Mẹ ạ! Thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này. Mẹ ơi! Thời gian này địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Quyển sổ tay mẹ gửi dạo nọ đã gần hết rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mẹ! Mới về thăm mẹ đó mà sao con thấy nhớ mẹ quá…”.
Tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc dưới chân núi Trọ Voi. |
Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng cho ý chí kiên gan của đất và người trên tọa độ lửa đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Những người sinh ra và lớn lên trong thời bình như chúng tôi hôm nay đứng trước lăng mộ các chị, thắp nén nhang bày tỏ lòng thành kính ghi ơn sự hy sinh của các chị - sự hy sinh minh chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh đầy đau thương, mất mát nhưng cũng rất đỗi oai hùng để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Thế
Ý kiến bạn đọc